11:02, 09/02/2016

Thôn đảo... ngày mới

Trong ký ức của nhiều người, các thôn đảo: Khải Lương, Ninh Tân, Điệp Sơn, Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là những miền quê nghèo khó. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã đổi khác, các thôn đảo đang thay da đổi thịt từng ngày.

Trong ký ức của nhiều người, các thôn đảo: Khải Lương, Ninh Tân, Điệp Sơn, Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là những miền quê nghèo khó. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã đổi khác, các thôn đảo đang thay da đổi thịt từng ngày.


Tết về thôn đảo


Khi ánh bình minh vừa ló rạng cũng là lúc chúng tôi xuất phát từ bến đò Vạn Giã hướng tới thôn đảo Khải Lương. Làng chài hiện ra trước mắt chúng tôi thật yên bình và nên thơ. Trong mênh mông màu xanh của rừng lộ ra những hang đá nguyên sinh màu vàng nhạt ôm trọn làng chài. Bên dãy núi đá trải dài, nối tiếp nhau vươn mình ra biển, một ngôi chùa thấp thoáng sau tán lá cây. Bức tranh đó dường như đẹp hơn bởi những ngôi nhà san sát khang trang, mái ngói đỏ tươi.

 

Một góc thôn đảo Khải Lương
Một góc thôn đảo Khải Lương


Những ngày cuối năm, các thôn đảo như bừng lên sức sống mới với những chuyến ghe trở về đầy ắp hoa tươi, hàng hóa. Gặp chúng tôi, ông Phan Thành Liêm, Trưởng thôn Ninh Tân phấn khởi khoe: “Năm nay, biển phù trợ nên hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản của người dân được mùa, ăn Tết lớn là đương nhiên!”.


Cuối tháng Chạp Âm lịch, các thôn đảo đã rục rịch không khí đón xuân. Việc đầu tiên của các họ tộc, gia đình là sửa sang, vun đắp lại mồ mả, thắp nén nhang thành kính cho những người đã khuất. Sau đó, mọi người tập trung sắp xếp, dọn dẹp, trang trí lại đình chùa, nhà cửa. Bà Nguyễn Thị Tám (62 tuổi, thôn Khải Lương) chia sẻ: “Năm nay được mùa tôm, cá nên gia đình nào trong thôn đảo cũng phấn khởi, sắm Tết đủ đầy hơn. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ hoa mai, hoa cúc, bánh tét, câu đối để sẵn sàng đón xuân”.

 

Người dân thôn đảo Khải Lương đi sắm Tết
Người dân thôn đảo Khải Lương đi sắm Tết


Mâm cỗ ngày Tết của người dân biển Vạn Thạnh thường không thể thiếu đĩa cá và tôm, vì đây là nét văn hóa ẩm thực của vùng quê này. Một mâm cỗ có đến mấy thứ cá, được nấu nướng, chế biến theo nhiều cách khác nhau như: chiên, nướng, canh giấm, quết chả, cuốn gỏi... Ở các làng biển, có một phong tục được ngư dân rất coi trọng và không thể thiếu trong dịp tiễn năm cũ, đón năm mới. Đó là chuẩn bị hương hoa, bánh trái dâng lên miếu cá Ông - một vị thần biển được người dân tôn thờ, thành kính bởi đã che chở cho ngư dân ra khơi, vào lộng an toàn - để tạ lễ, đồng thời cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người làm ăn trên biển an toàn, thuận lợi.


Để Tết thêm phần vui tươi, ngoài các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các làng biển còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đánh cờ người, đua thúng... Đặc biệt, vào đầu năm mới, các làng biển đều tổ chức lễ hội cầu ngư ra khơi đánh bắt đầu năm. Đây là phong tục tín ngưỡng tâm linh được ngư dân Vạn Thạnh duy trì từ bao đời nay...


Khoác áo mới


Cách đây 10 năm, lần đầu tiên chúng tôi đến Khải Lương, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Hôm nay, những ngôi nhà tranh tre dột nát đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, hiện đại. Trưởng thôn Trần Minh Hiền cho biết, người dân thôn đảo trước đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, được chính quyền địa phương hướng dẫn cách khai thác thế mạnh của thôn đảo nên hiện nay, ngoài đi biển, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá lồng bè, tôm hùm, trồng rau xanh, làm nước mắm..., có thu nhập ổn định. Phụ nữ trong thôn đi làm cho Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn, thu nhập hàng tháng hơn 4 triệu đồng/người.

 

Niềm vui của các em học sinh thôn đảo
Niềm vui của các em học sinh thôn đảo


Ông Trương Công Mạnh, một trong những lão làng gắn bó với thôn đảo đến nay gần 80 năm chia sẻ, bước ngoặt lớn nhất làm nên sự trù phú của làng chính là thời điểm làng có lưới điện quốc gia năm 2000. Kể từ khi đóng điện đến nay, thôn đảo đổi thay từng ngày, vươn mình mạnh mẽ, người dân có của ăn, của để. “Một đời gắn bó với biển, đảo, nhìn sự đổi thay của thôn, tôi vui lắm. Con cháu được học hành đầy đủ, có người trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người có nhà cửa khang trang”, ông Mạnh tự hào. Gia đình ông Mạnh trước đây vốn nghèo khó, nhưng từ ngày chuyển hướng sang nuôi tôm hùm, kinh tế khá hơn. Hiện nay, ông có gần 100 lồng tôm, mỗi năm thu nhập hơn 800 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, con cháu được ăn học đến nơi đến chốn.


Tại các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, chúng tôi cũng đều cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” từng ngày. Ông Lê Hoàn Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Giờ đây, các làng đảo đã khoác lên mình bộ áo mới, đời sống người dân được nâng cao, trẻ em được đến trường. Đường làng, ngõ xóm khang trang, được đầu tư bê tông hóa. Các đảo Ninh Tân, Điệp Sơn được đầu tư điện năng lượng mặt trời, Khải Lương có điện lưới quốc gia, Ninh Đảo có máy phát điện chạy bằng dầu diesel”. Đi khắp xã đảo, chúng tôi ghi nhận những con số vui: sản lượng đánh bắt hải sản từ đầu năm đến nay hơn 1.600 tấn, đạt 108% kế hoạch; có hơn 4.340 lồng nuôi tôm hùm và cá bớp, cá mú...


Chúng tôi chia tay các thôn đảo Vạn Thạnh khi đất trời đang vào xuân. Lúc này, dưới mỗi mái nhà nơi thôn đảo, mọi người đang rạo rực đón một năm mới với niềm tin và hy vọng mới.


Văn Giang - Mạnh Hùng