12:02, 12/02/2016

Mạn đàm trầm hương

Trầm hương là "linh khí của trời đất". Bao đời nay, loại "gỗ thơm" quý giá này luôn được săn lùng ráo riết. Theo thời gian, người dùng trầm không chỉ dừng lại ở hương, sắc mà còn là phong thủy, nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp...

Trầm hương là “linh khí của trời đất”. Bao đời nay, loại “gỗ thơm” quý giá này luôn được săn lùng ráo riết. Theo thời gian, người dùng trầm không chỉ dừng lại ở hương, sắc mà còn là phong thủy, nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp...



Huyền hoặc quanh “gỗ thơm”



Không biết từ bao giờ, người Việt có thú chơi trầm hương, thắc mắc này đến cả những người am hiểu có tiếng về trầm hương cũng không lý giải được. Chỉ biết rằng, trong rất nhiều cổ văn có nhắc đến công hiệu và cách sử dụng loại “gỗ thơm” này.

 

Trầm hương mỹ nghệ ngày càng đa dạng về hình thức
 


Vùng đất Khánh Hòa được xem như xứ đệ nhất của trầm. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai... Họ Nguyễn trước đặt đội Am Sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định...”. Trầm hương, kỳ nam, vốn là sản phẩm được hình thành từ cây dó bầu. Thông thường, một cây dó khi bị thương sẽ tiết nhựa để làm lành vết thương, lâu dần thành trầm, thành kỳ. Theo người xưa, trầm hương thì cứng, nặng, sắc nhạt, vị đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan. Trầm hương có thể giáng khí, chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu… mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng. Kiêng nhất là bọc giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc.

 

Khối trầm hương có giả cả tỷ đồng
Khối trầm hương có giả cả tỷ đồng


Những điều cổ văn để lại, chứng tỏ rằng, xa xưa ông cha ta đã rất tường tận về trầm hương. Ngay từ thời đó, trầm đã được sử dụng một cách rất tinh tế và uyên bác. Phàm ở đời, thứ gì quý thường hiếm. Và vì vậy, trầm hương được người đời thêu dệt không biết bao nhiêu câu chuyện mang màu sắc kỳ bí. Còn nhớ trong một lần trò chuyện với ông Đình Thanh Phúc (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) về trầm kỳ, ông bật mí: “Trầm hương là sự hóa thân của Thánh mẫu Thiên y Ana. Do đó, ai gặp được trầm hương, nhất là kỳ nam chính là cái duyên. Có những người đi cả năm trời nhưng không kiếm nổi một mẩu trầm hương. Đã là dân đi địu (người tìm trầm) thì tâm phải tịnh, trước khi vào rừng phải thanh sạch, không làm điều ác, không gần gũi phụ nữ. Có nhiều điều cấm kỵ tuy rất huyền hoặc nhưng dân đi địu ai cũng phải tuân theo, làm trái thì rất dễ bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc”. Ngoài câu chuyện của ông Phúc, còn không biết bao nhiêu câu chuyện khác nữa về sự kì bí và thần diệu của trầm. Thậm chí, ngay cả câu chuyện “ngậm ngãi tìm trầm” cũng có hàng chục dị bản khác nhau. Mỗi vùng miền một câu chuyện, nhưng tất thảy đều nhuốm màu huyền thoại và tâm linh.  


Dùng trầm “chiêu tài, dẫn lộc”


Xưa, dùng trầm hương chủ yếu để đốt lấy mùi thơm, giờ người đời chơi trầm hương cần phải có hình có dạng. Chính vì vậy, trầm cảnh hiện đang lên ngôi. Vào các dịp lễ, Tết, các món trầm cảnh thường được người ta mua về trưng hoặc làm quà tặng. Thứ “gỗ thơm” được ví quý hơn vàng ngày càng có giá khủng khiếp. Những khối trầm có giá trị, cộng thêm những đường nét phong vân, thủy mặc thì tiền tỷ cũng chưa chắc đã mua được. Tại các cửa hàng trưng bày trầm hương của Công ty Trầm hương Khánh Hòa Biện Quốc Dũng (Ninh Hòa) và Trầm Hương Khánh Hòa (TP. Nha Trang), những khối trầm cảnh đều có giá từ vài chục triệu đến hơn cả tỷ đồng. Nhìn khối trầm mỹ nghệ hẳn những người khó tính nhất về mỹ thuật cũng không khỏi trầm trồ. Hình thù kỳ quái có, thạch nhũ phiêu bồng có. Mỗi khối trầm mỹ nghệ xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật của tự nhiên, không hề có sự trùng lắp.

 

Trầm hương mỹ nghệ ngày càng đa dạng về hình thức
Trầm hương mỹ nghệ ngày càng đa dạng về hình thức


Ông Biện Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa cho biết, hiện giới chơi trầm mỹ nghệ tập trung vào tượng trầm, trầm khối, trầm cây và các đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ. Người chơi trầm mỹ nghệ quan niệm, chơi để thể hiện đẳng cấp, để chiêu tài, dẫn lộc, tiêu độc, trừ khí. Nếu trước kia người giàu có mới có thể dùng trầm, nay người có tiền ít vẫn có thể mua những sản phẩm từ trầm hương. Giá loại sản phẩm này khá phong phú, ít tiền dùng hương trầm, vòng trầm giá vài trăm đến vài triệu đồng. Bậc phú quý, mua trầm khối, trầm tượng, trầm cảnh cả trăm triệu đồng.


Trò chuyện với những người chơi trầm hương, phần lớn họ đều rất kín tiếng, ít muốn tiết lộ về những khối trầm mà mình đang sở hữu. Mỗi món đồ từ loại “gỗ thơm” đều được họ nâng niu, trưng ở những nơi trang trọng nhất. Trong một dịp ngồi “trà dư, tửu hậu” với Tý Khá - một đầu nậu trầm kỳ có tiếng ở Khánh Hòa, ông tiết lộ: “Dân chơi trầm kỳ chủ yếu vì phong thủy. Có khối trầm tốt trong nhà coi như vật để chiêu tài, dẫn lộc, trấn yếm những điều xui xẻo. Do trước đây trầm hương được coi là vật quý, chỉ để cống nạp cho các bậc đế vương và chỉ có vua chúa mới được dùng nên hiện nay những người vương giả, giàu có họ rất xem trọng chuyện dùng trầm hương. Tuy nhiên, với người giàu có, đã dùng thì phải dùng trầm loại tốt, còn trầm hương loại 7, loại 8 - “hàng chợ” thì chỉ được xem là bình thường”. Theo đầu nậu này, hiện trang sức làm bằng trầm hương đang là mốt của giới làm ăn, giàu có. Nhìn vào trang sức đeo trên cơ thể có thể đoán định được đẳng cấp người chơi.

 


Vậy nhưng, những người sử dụng trầm hương theo phái Mật tông họ quan niệm, trầm hương đơn thuần để tẩy uế, tạo nên sự thanh sạch cho thân chủ. Mùi hương của trầm là sợi dây kết nối giữa người phàm trần với đấng tối cao. Trong số những người sử dụng loại “gỗ thơm” cũng có không ít người mua đơn thuần chỉ vì phong trào.


Không biết thực hư của việc chơi trầm hương sẽ được gì trong muôn vàn quan niệm, giả thiết. Nhưng có một điều dễ cảm nhận, trong tiết trời vào xuân, giữa sự giao thoa của đất trời, cảnh sắc, thoảng trong không gian mùi thơm dịu ngọt của trầm hương sẽ thấy lòng thư thái, tâm tịnh hư không. Con người như trút bỏ được áp lực giữa xô bồ cuộc sống, một chút ấm áp, một chút phiêu bồng cứ lãng đãng theo mùi thơm của trầm hương.


Đ.L