12:11, 12/11/2021

Siết chặt

Nha Trang - Khánh Hòa đang trong những ngày mưa lớn kéo dài. Chỉ trong ngày 11-11, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Toàn tỉnh có 425 hộ/1.579 khẩu tại những khu vực xung yếu được di dời đến nơi an toàn.

Nha Trang - Khánh Hòa đang trong những ngày mưa lớn kéo dài. Chỉ trong ngày 11-11, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Toàn tỉnh có 425 hộ/1.579 khẩu tại những khu vực xung yếu được di dời đến nơi an toàn.


Riêng Nha Trang, những khu vực đáng lo nhất vẫn là ở Phước Đồng, Vĩnh Trường - nơi đã từng xảy ra những trận sạt lở gây thiệt hại nặng vào những mùa mưa bão trước. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, người dân ở đây lại phải lo di dời. Được biết, tỉnh đã có chủ trương đầu tư dự án xây dựng chung cư xã hội để đảm bảo tái định cư cho hơn 800 hộ ở những khu vực này. Dự án chắc sẽ phải mất nhiều thời gian để hoàn thành, vì liên quan đến vấn đề kinh phí. Hi vọng trong tương lai không xa, người dân ở đây sẽ sớm được an cư lạc nghiệp, thôi không còn nỗi lo di dời vào mùa mưa bão…


Nguy cơ sạt lở xảy ra nhiều tại xã Phước Đồng. Không chỉ là vấn đề lo an toàn cho dân ở những khu vực này, nó còn là câu chuyện quản lý. Chuyện khoét núi, san đồi, lấn chiếm đất rừng, phân lô bán đất nền trái phép hầu như năm nào cũng diễn ra ở đây. Nhiều khu đất nằm chênh vênh trên sườn núi đã bị đào xới, san ủi, đổ bê tông, phân lô để bán. Được biết, từ năm 2019 đến nay, UBND TP. Nha Trang đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất rừng, đất trồng cây lâu năm bị chủ đất sử dụng sai mục đích. Nhưng đến nay, hàng nghìn mét vuông đất bị hủy hoại đã thu hồi nhưng chưa có giải pháp khôi phục hiện trạng ban đầu. Gần đây nhất, Báo Khánh Hòa đã có bài phản ảnh về một khu vực đất rừng sản xuất cũng đã được chủ đất san ủi, phân thành 50 lô để bán. Trên đào núi, dưới xây nhà, sự an toàn ở đâu nếu cứ hình thành những khu dân cư tự phát như thế?


Điều đáng nói là tại sao trên địa bàn xã Phước Đồng lại để xảy ra thường xuyên những vụ như thế này? Lãnh đạo xã đã nhiều lần cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng lấn chiếm, giao dịch mua bán…, nhưng thực tế là tình trạng đào xới, san ủi, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra. Có thể thấy, việc quản lý đất đai, xây dựng của địa phương còn nhiều vấn đề. Nếu siết chặt việc kiểm tra, cương quyết xử lý ngay từ đầu thì có lẽ sẽ không có chuyện đồi núi bị san ủi, đất đai bị rao bán rồi mà chính quyền khi được hỏi vẫn chưa nắm rõ!


Hàng chục ha đất rừng ở các thôn Phước Hạ, Phước Lợi, Phước Tân… bị san ủi năm ngoái, dù đã được thu hồi nhưng đến nay vẫn vậy, chưa được khôi phục và nếu có được khôi phục cũng rất khó. Giờ lại thêm những “dự án” khác biến đất rừng thành đất ở, thử hỏi đến bao giờ Phước Đồng mới thôi lo về nguy cơ sạt lở ở những khu vực này?


Mới đây, Tỉnh ủy có văn bản về việc chấn chỉnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Có thể thấy, đã đến lúc phải siết chặt hơn lĩnh vực này, bởi việc buông lỏng quản lý đất đai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Như ở Phước Đồng và một số nơi khác, sẽ ra sao nếu đất đồi đất núi đất rừng cứ bị đào nát, để rồi đến mùa mưa bão lại phải lo sạt lở và đối phó với những hiểm họa khó lường mà lẽ ra đã ngăn chặn trước được…


HẢI NGUYỆT