10:03, 30/03/2021

Kẻ đốt đền và sự ân hận muộn màng

Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước...

Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Bị cáo chủ mưu là Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1976), người được biết nhiều đến với hành vi đốt cờ Tổ quốc, cờ Đảng, xúc phạm lãnh tụ để tung lên mạng.
 
Bất mãn với cuộc sống, giận lây qua cả chế độ, từ giữa năm 2018 Thúy sử dụng tài khoản Facebook và tài khoản Youtube cá nhân để thường xuyên đăng tải các nội dung bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước. Để quan thầy nước ngoài, những người chi tiền cho mình chú ý, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm ngoái Thúy còn đốt cờ Tổ quốc, cờ Đảng… livestream trên mạng xã hội. 
 
Nghe cáo trạng, tự nhiên nhớ lại câu chuyện lịch sử. Vào năm 356 trước Công nguyên, có một gã trong một đêm hè đã phóng lửa đốt ngôi đền nữ thần Artemis, một trong 7 kỳ quan thế giới của Hy Lạp cổ đại. Nguyên do rất đơn giản là gã muốn được nổi tiếng, lưu tên vào sử sách. Tòa án sau đó đã xử tử hắn và ra phán quyết, đời đời về sau không được nhắc đến tên hắn, mà chỉ gọi là kẻ đốt đền. 

 

Bị cáo Thúy tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: N.V
Bị cáo  Nguyễn Thị Cẩm Thúy tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: N.V
 
Khi thực hiện những hành vi ngông cuồng này, đối tượng đã công khai thách thức luật pháp. Quốc kỳ là một biểu trưng của một đất nước, luật pháp của bất cứ một quốc gia nào cũng không dung thứ cho hành vi xúc phạm biểu trưng của quốc gia. Trước nay, các thế lực thù địch thường chống phá đất nước bằng cách xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, chính sách của Đảng, của nhà nước một cách tinh vi, thâm độc, hầu như không dùng đến cách làm thô thiển này. Có thể thấy hành vi của nhóm Thúy là hành vi chống đối của người ít có tiếng tăm, địa vị xã hội. Muốn nổi tiếng nhanh nên phải chọn những biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước mà xúc phạm cho mau được dư luận chú ý. Được dư luận chú ý thì quan thầy hải ngoại mới biết đến, mới tài trợ…
 
Bản án 9 năm tù giam, sau khi chấp hành án tù phải chịu 3 năm quản chế là hình phạt nghiêm khắc dành cho những kẻ chống phá đất nước, dám chà đạp lên những gì thiêng liêng của đất nước. Tiếc cho những lời ân hận muộn màng của các bị cáo. Có vẻ cả nhóm đọc không đến nơi, trong câu chuyện lịch sử kia mới đọc đến phần đốt đền để được nổi tiếng, mà chưa kịp đọc phần sau kết cục của kẻ đốt đền.
 
THỦY NGÂN