11:04, 20/04/2020

Nâng mức giảm trừ gia cảnh phải sửa luật (?)

Thông tin trên báo chí cho biết, Bộ Tài chính vừa có tờ trình lên Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên về mức giảm trừ gia cảnh cho những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bộ vẫn giữ nguyên đề xuất: người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc.

Thông tin trên báo chí cho biết, Bộ Tài chính vừa có tờ trình lên Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên về mức giảm trừ gia cảnh cho những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Bộ vẫn giữ nguyên đề xuất: người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc.


Trả lời trên một tờ báo, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết không thể làm khác luật được; nếu muốn nâng mức giảm trừ gia cảnh cao hơn phải chờ sửa luật!.


Tuy nhiên, coi lại Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 thì Khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.


Nghị định 65/2013-NĐ-CP ngày 27-6-2013 hướng dẫn Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN tại Điều 12 ghi rõ: “a) Mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); b) Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Như vậy, luật và nghị định hướng dẫn thực hiện rất rõ ràng. Theo đó:


1. Thẩm quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ tính toán thấy phù hợp với tình hình giá cả thì trình lên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức cụ thể.


2. Luật và nghị định không có chữ nào quy định mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được tăng 20%, tương ứng với mức tăng CPI tăng 20%. Luật chỉ quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.


Văn bản pháp luật đã rất rõ ràng để thực hiện, không có câu chữ nào phải vận dụng như Bộ Tài chính phát biểu!.


Thủy Ngân