10:04, 02/04/2020

Chung tay, chung một tấm lòng

Nhà nào ở nhà nấy. Ấy là khuyến cáo, cũng là mệnh lệnh. Từ thuở khai thiên lập địa tới nay, chưa bao giờ bãi biển Nha Trang lại lặng ngắt, không một bóng người như sáng 1-4, khi thành phố Nha Trang tổ chức triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Làm được việc ấy là không hề dễ dàng.

Nhà nào ở nhà nấy. Ấy là khuyến cáo, cũng là mệnh lệnh. Từ thuở khai thiên lập địa tới nay, chưa bao giờ bãi biển Nha Trang lại lặng ngắt, không một bóng người như sáng 1-4, khi TP. Nha Trang tổ chức triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Làm được việc ấy là không hề dễ dàng. Ấy không chỉ là kết quả của sức mạnh cả hệ thống chính trị mà còn là kết quả của việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch. Tất cả tạo nên một niềm tin, niềm tin tất thắng trong những ngày tháng Tư lịch sử này.

 

Bãi biển Nha Trang lúc 6 giờ 30 ngày 1-4.

Bãi biển Nha Trang lúc 6 giờ 30 ngày 1-4.


Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tinh thần vượt khó là quý hóa vô ngần. Không có ai ở ngoài vòng ảnh hưởng. Cho nên, không có ai ở ngoài cuộc. Mưu sinh khó khăn. Cuộc sống khó khăn. Gói hỗ trợ của Chính phủ tuy không nhiều như những quốc gia giàu có nhưng rất kịp thời và nhiều ý nghĩa. Thực tế trong cuộc sống đã có những tấm lòng hướng về người yếu thế, giúp họ trụ vững. Đại lý hỗ trợ người bán vé số khi phải dừng bán. Chủ nhà trọ không chỉ không thu tiền thuê nhà mà còn hỗ trợ gạo cho người thuê khi phải nghỉ việc. Trân quý quá! Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Và, sâu xa nữa, ấy là một cách động viên, chia sẻ rất thiết thực và chân thành. Vẫn biết, âu cũng là giúp cho đỡ ngặt, còn muốn đỡ nghèo là cả một ý chí vươn lên của từng thân phận con người. Có ý chí, được sự động viên, giúp đỡ kịp thời, cuộc sống rồi sẽ ổn, rồi sẽ đi lên.


Trong tình cảnh chống chọi dịch bệnh khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (sinh năm 1929, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã tặng số tiền 5 triệu đồng mẹ tiết kiệm được để ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, với mong muốn “dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi; người dân đoàn kết, tiếp tục xây dựng đất nước giàu mạnh” như lời mẹ chia sẻ. Bên cạnh mẹ Chi, còn cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đi xe đạp đến xã mang theo 2 triệu đồng từ tiền bán rau, tiền con cháu biếu để ủng hộ Nhà nước chống dịch; cụ bà Đào Thị Huê (87 tuổi, trú xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đến Hội Phụ nữ xã ủng hộ 3 triệu đồng và đôi bông tai vàng, góp sức chống dịch.


Quả thật, ấy là những nghĩa cử cao đẹp xiết bao! Đất nước ta đã sản sinh ra nhiều con người như vậy. Khi Tổ quốc lâm nguy, họ sẵn sàng hiến dâng tất cả, kể cả máu xương mình. Những việc làm của các mẹ, các bà khiến nhiều người xúc động, cảm phục và suy ngẫm.


Tuy nhiên, có một câu chuyện buồn, rất buồn. Đó là trong lúc nguy nan thực sự như vậy, sống chết liền kề nhau như vậy, trên mạng xã hội vẫn còn có những tin tức, hình ảnh không thật, khiến dư luận xôn xao. Xin hãy chia sẻ thông tin bằng tình cảm, trách nhiệm của một công dân tốt, bằng trái tim yêu thương của một con người đối với dân tộc mình, đồng bào mình. Xin đừng cứa thêm vào nỗi đau của những người thân yêu xung quanh ta nói riêng và cả loài người nói chung trong cuộc chiến sinh tử này.


Cả nước chung tay chống dịch. Cả cộng đồng chung một tấm lòng, cùng sẻ chia những nỗi gian khó, kề vai sát cánh cùng chiến đấu với dịch bệnh. Cuộc chiến hãy còn rất cam go ở phía trước!


Những ngày tháng Tư lịch sử này, lật lại những trang tư liệu, chợt đọc được bức điện khẩn ngày 7-4-1975 của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam...”. Còn bây giờ, chúng ta cũng đang “tranh thủ từng phút, từng giờ”..., với một niềm tin tất thắng.


PHONG NGUYÊN