11:03, 19/03/2020

Chống dịch tin giả

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa phối hợp với Công an tỉnh xử lý đối với 1 phụ nữ đã đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội...

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa phối hợp với Công an tỉnh xử lý đối với 1 phụ nữ đã đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội. Người này đã bị phạt 7,5 triệu đồng - cái giá quả là khá đắt cho việc chỉ đăng vài dòng câu view vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội nhưng lại gây hoang mang cho cộng đồng khi tung tin đồn về dịch bệnh, vốn đã làm nhiều người lo lắng trong thời gian qua.
 
Sáng qua (19-3), một bạn đọc gửi tin nhắn đến Báo Khánh Hòa phản ảnh một tài khoản facebook ở Nha Trang cũng đăng tin “Khu vực Bình Tân đã có 3,4 nhà bị cách ly sáng nay”. Cũng rất nhiều người báo cơ quan chức năng về việc trên. Chiều cùng ngày, công an đã mời người này lên làm việc, lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Sau đó, cô này đã đăng lời xin lỗi, thú nhận là mình viết sai sự thật. Các cư dân mạng phẫn nộ và cho rằng chủ tài khoản cố tình đăng tin giật gân để thu hút tương tác, dễ bán hàng online hơn! 
 
Như vậy có thể thấy, người dân đã cảnh giác hơn với các loại tin giả. Nhưng cũng vẫn có không ít người chưa rút ra bài học cho mình. Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh. Trong đó, có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Có thể thấy, dịch tin giả còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh khi nó gây hoang mang, chia rẽ cộng đồng; nguy hiểm hơn là còn trở thành công cụ để các thế lực thù địch sử dụng, phát tán trên mạng xã hội nhằm xuyên tạc tình hình dịch Covid-19 và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương; kích động người dân, làm rối ren tình hình, gây bất ổn xã hội. 
 
Thực tế, các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý, xử phạt tiền đối với các trường hợp đưa tin sai sự thật. Hành động này của cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng. Vậy nhưng, bất chấp sự thật, các “nhà dân chủ”, “nhân quyền” vẫn đổi trắng thay đen, xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc. Các đối tượng trắng trợn vu khống việc chính quyền xử lý những người đưa tin giả như trên là hành động mang tính “bịt miệng” người dân. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải cảnh giác cao độ để không rơi vào những cái “bẫy” này.
 
Muốn vậy, mỗi người dân phải đồng lòng, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đồng lòng trong cả hành động, cách ứng xử với mạng xã hội. Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 còn dài, còn nhiều khó khăn, cần cả xã hội chung sức để không ai bị bỏ lại phía sau. Còn quá nhiều việc phải làm ở phía trước, không nên phí thời gian, công sức vào việc làm vô bổ này, đừng để tin giả trở thành một loại dịch bệnh nguy hiểm, khó chữa.
 
HẢI NGUYỆT