09:11, 07/11/2019

Không chủ quan

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 7-11, vị trí tâm bão số 6 (bão Nakri) ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 390km về phía đông bắc. Cũng theo dự báo, tâm bão có khả năng nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận trong ngày 10-11.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 7-11, vị trí tâm bão số 6 (bão Nakri) ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 390km về phía đông bắc. Cũng theo dự báo, tâm bão có khả năng nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận trong ngày 10-11.


Những thông tin này được liên tục cập nhật, cảnh báo đây có thể là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Điều đáng nói, cơn bão này liên tục thay đổi cường độ, thậm chí là có hướng đi dị thường, phức tạp. Cùng với những dự báo của cơ quan chức năng, người dân cũng có thể thấy rõ điều này khi theo dõi cập nhật trên ứng dụng dự báo thời tiết Windy. Do vậy, đến thời điểm này, không thể chủ quan nghĩ rằng bão sẽ không ghé Khánh Hòa.


Như cơn bão số 5 vừa rồi, Khánh Hòa chỉ bị ảnh hưởng nhưng thiệt hại cũng đã lên tới 45 tỷ đồng. Mặc dù đã chủ động phòng, chống nhưng sức tàn phá của thiên tai luôn nằm ngoài dự đoán của con người. Vì thế, đối phó với thiên tai, con người luôn phải chủ động ứng phó. Hơn ai hết, người dân Nha Trang - Khánh Hòa hiểu rõ bài học kinh nghiệm xương máu này. Họ đã chủ động trong mọi tình huống, kể cả là bán tháo thủy sản để chạy bão. Hay như người dân ở xã Phước Đồng, họ chủ động di dời mà không cần địa phương nhắc nhở nhiều lần. Cho dù dự báo có lúc chưa hoàn toàn chính xác, nhưng sự chủ động này là cần thiết. Bởi, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu con người chủ quan thì không thể lường hết được mức độ thiệt hại. Cũng có thể coi đó là những lần diễn tập thực tế, để sau mỗi mùa mưa bão người dân tích tụ cho mình những kinh nghiệm phòng thân, từ việc di dời, trữ lương thực và những đồ dùng thiết yếu… đến cả những phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.


Tuy nhiên, điều người dân cần vẫn là những thông tin chính xác, kịp thời, bởi sự đối phó với thiên tai cần cả sự bình tĩnh, tránh hoang mang, lo lắng. Đơn cử như trong diễn biến của cơn bão số 5 hồi tuần trước, nhiều địa phương, người dân vừa lo chống bão vừa lo đối phó với chuyện xả lũ của các hồ chứa. Thông báo cứ phát đi ra rả mà không cập nhật lại, khiến chính quyền và người dân lo di dời đến mệt!


Ứng phó tốt với thiên tai không chỉ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà còn cần những kỹ năng cơ bản của mỗi người. Tư thế và tinh thần chủ động là một trong những yếu tố giúp người dân không bị bất ngờ và hoảng loạn khi thiên tai xảy ra. Đã đến lúc cũng cần có những cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai thường xuyên hơn để tư duy phòng, chống thiên tai của người dân tốt hơn, trở thành thói quen hàng ngày. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết những tồn tại từ những mùa mưa bão trước, về cơ sở hạ tầng, về bất cập của các dự án ven đồi núi… Bởi, nói gì thì nói, thiên tai luôn bất ngờ, mà càng bất ngờ thì con người càng cần phải chủ động hơn, không thể chủ quan trong mọi tình huống.


HẢI NGUYỆT