09:11, 11/11/2019

Cần cương quyết xử lý thuốc giả, kém chất lượng

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý dược Bộ Y tế liên tiếp ban hành nhiều quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng… 

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý dược Bộ Y tế liên tiếp ban hành nhiều quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng… Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam có xu hướng giảm từ 2,54% vào năm 2013 xuống còn 1,32% năm 2018. Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ thuốc giả chiếm dưới 0,1%/năm.


Theo các chuyên gia y tế, tuy thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng điều đáng sợ là nó khiến bệnh nặng thêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong tỷ lệ khoảng 1/10.000 đến 1/100.000, thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.


Thông thường, sau khi phát hiện thuốc kém chất lượng trên thị trường, Cục Quản lý dược Bộ Y tế lập tức có quyết định thu hồi; đồng thời yêu cầu trong vòng 48 giờ, công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc. Cục cũng chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo việc thu hồi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; công bố công khai thông tin việc thu hồi trên trang thông tin điện tử của ngành và kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện thông báo. Với mỗi quyết định thu hồi thuốc, Sở Y tế giao thanh tra sở, phòng y tế các quận, huyện, thị xã triển khai đến tận các nhà thuốc; đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, với hàng ngàn nhà thuốc đang hoạt động và hàng trăm nhà thuốc mở mới mỗi năm, cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở từng nhà thuốc. Chưa kể, khi có thông báo thu hồi, nhiều loại thuốc đã lưu hành ra thị trường hơn 1 - 2 năm, đã có rất nhiều người mua sử dụng và nhà thuốc không thể kiểm soát được họ ở đâu, số lượng đã mua... Điều này cho thấy khâu thu hồi còn nhiều bất cập.


Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này đang là câu hỏi lớn khi lực lượng thanh tra của ngành Y tế hiện nay rất mỏng, năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế, số lượng cơ sở cung ứng thuốc ở mức rất lớn nhưng công tác quản lý, giám sát hệ thống này, nhất là đối với các nhà thuốc tư nhân gần như bỏ ngỏ.


Để hạn chế phần nào tình trạng trên, đã đến lúc ngành Y tế cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kết nối dữ liệu tại các cơ sở cung ứng thuốc trên phạm vi toàn quốc, qua đó minh bạch và quản lý tốt hơn đường đi của dược phẩm. Đồng thời, nhanh chóng loại bỏ tình trạng bán thuốc, sử dụng thuốc không theo đơn. Song song đó, Nhà nước phải tăng cường lực lượng thanh tra y tế, năng lực kiểm nghiệm của ngành…


C.Đan