11:10, 17/10/2019

Từ hình ảnh đường lưỡi bò phi lý

Trưa 15-10, người dùng điện thoại Iphone bất ngờ phát hiện ứng dụng thời tiết The Weather Channel có hình ảnh đường lưỡi bò chín đoạn. Điều đáng nói, hình ảnh này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Indonesia... - những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Trước đó, bộ phim hoạt hình Abominable (Người tuyết bé nhỏ) được chiếu tại Việt Nam cũng có hình lưỡi bò xuất hiện, bị các cư dân mạng phát hiện và lên tiếng đòi tẩy chay.

Trưa 15-10, người dùng điện thoại Iphone bất ngờ phát hiện ứng dụng thời tiết The Weather Channel có hình ảnh đường lưỡi bò chín đoạn. Điều đáng nói, hình ảnh này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Indonesia... - những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Trước đó, bộ phim hoạt hình Abominable (Người tuyết bé nhỏ) được chiếu tại Việt Nam cũng có hình lưỡi bò xuất hiện, bị các cư dân mạng phát hiện và lên tiếng đòi tẩy chay.


Trong khi đó, những ngày này Biển Đông vẫn đang dậy sóng, nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 của họ vẫn ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng bất chấp dư luận quốc tế, luật pháp quốc tế, Trung Quốc vẫn bằng mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện âm mưu thâm độc chiếm Biển Đông. Trên mặt trận truyền thông, càng ngày Trung Quốc càng cố biến đường lưỡi bò chín đoạn vô lý của họ thành hình ảnh quen thuộc. Họ không chỉ đưa vào sách giáo khoa mà còn in ấn, xuất bản trên nhiều tài liệu, thậm chí là khuyến khích người dân Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò khi đi du lịch qua các nước khác. Điều này cho thấy, họ đã có sự tính toán trong việc giáo dục tư tưởng, tiêm nhiễm những điều phi lý này vào các thế hệ người Trung Quốc, để tăng thêm sức thuyết phục về những điều mà họ đang làm, đi ngược lại nguyên tắc luật pháp quốc tế.


Nhiều chuyên gia nhận định, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ biến một tính toán sai lầm nhỏ thành xung đột lớn. Và chúng ta đang tích cực đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng ta cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, về vai trò, vị trí của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần đưa những nội dung này vào sách giáo khoa ở các cấp học với thời lượng nhiều hơn, bởi hiện nay nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này còn mang tính chung chung. Chưa kể, với sự phát triển và lan tỏa của mạng xã hội, nếu thế hệ trẻ không có một nền kiến thức vững về chủ quyền, về biên giới, lãnh thổ, về các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông thì sẽ có những cách tiếp cận sai lệch, không đầy đủ, từ đó dẫn đến việc ứng xử không đúng với những thông tin trên mạng xã hội.


Kêu gọi tẩy chay phim ảnh, ấn phẩm… có hình lưỡi bò là cách thể hiện đúng nhưng chưa đủ. Các thế hệ trẻ cần được bồi dưỡng, học tập và có nền tảng kiến thức vững chắc về chủ quyền, về biển đảo để tự nhìn nhận, phân tích, đánh giá đúng theo luật pháp.


Để làm được điều này, cần có sự thay đổi về chương trình giáo dục. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng cần có sự đổi mới trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để nâng cao nhận thức, lập trường tư tưởng, khả năng lý luận và bản lĩnh chính trị…


HẢI NGUYỆT