10:09, 05/09/2019

Câu chuyện giáo dục

Vậy là năm học mới đã bắt đầu. Hôm qua, mạng xã hội facebook tràn ngập hình ảnh các bậc phụ huynh đưa con tới trường dự khai giảng, tràn ngập không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi của ngày tựu trường. Đó là những hình ảnh đẹp trong thời công nghệ số, khi mà ở nơi này có thể thấy lễ khai giảng ở nơi kia, từ vùng đồng bằng tới miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa…

Vậy là năm học mới đã bắt đầu. Hôm qua, mạng xã hội facebook tràn ngập hình ảnh các bậc phụ huynh đưa con tới trường dự khai giảng, tràn ngập không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi của ngày tựu trường. Đó là những hình ảnh đẹp trong thời công nghệ số, khi mà ở nơi này có thể thấy lễ khai giảng ở nơi kia, từ vùng đồng bằng tới miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa…


Có thể thấy, lễ khai giảng năm nay được tổ chức ngắn gọn, ít mất thời gian. Tuy nhiên, nói đơn giản nhưng thật ra trước đó rất nhiều trường cũng đã “diễn tập” vài ngày, cho học sinh tập dượt để chuẩn bị cho lễ khai giảng được chỉn chu, bài bản. Thậm chí, học sinh còn đi học trước đó cả tuần, khác xa với thời trước là khai giảng rồi mới bắt đầu ngày đi học đầu tiên.


Ấy là nói chuyện hình thức. Năm học nào ngành Giáo dục cũng nói tới vấn đề này, nhưng thật sự là chưa thấy nhiều chuyển biến. Không thể phủ nhận những thành tích nổi bật của ngành trong thời gian qua, nhưng cũng không thể không kỳ vọng mỗi năm học sẽ có nhiều sự thay đổi về chất và lượng. Dường như năm học nào, ngành Giáo dục cũng có những bài toán chưa có lời giải: bệnh thành tích, áp lực học hành, thi cử; dạy thêm học thêm, bạo lực học đường… Vì vậy, các bậc phụ huynh đều mong chờ mỗi năm học mới sẽ có nhiều đổi mới nhưng theo hướng tích cực, bền vững, chứ không phải kiểu nay thay mai đổi về chương trình, chính sách; chuyện dạy và học không chỉ là điểm số mà quan trọng hơn là dạy cách làm người cho các em. Bởi, không ai muốn những cô cậu học trò khi rời ghế nhà trường lại thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và những lỗ hổng về kiến thức…


Lại nói về thời đại công nghệ 4.0, ở nơi này có thể biết chuyện nơi khác. Mạng xã hội gần đây có lan truyền một câu chuyện cảm động về một chú bé Blake, 6 tuổi ở bang Georgia (Mỹ) khi được mẹ gợi ý một món quà đã yêu cầu mẹ viết cho em dòng chữ “Tôi sẽ làm bạn của bạn” trên chiếc áo mới. Thông điệp của cậu bé này là muốn các bạn mình không bị bắt nạt, không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường… Câu chuyện ở một nơi xa xôi khiến chúng ta liên tưởng tới môi trường học đường ở đất nước mình. Bạo lực học đường ở đâu cũng có thể xảy ra, nhưng có lẽ đã đến lúc các nhà làm chính sách giáo dục cần nghiên cứu để chấn chỉnh mạnh hơn, thậm chí là triệt tiêu vấn nạn này. Chúng ta có đầy đủ các chế tài nhưng hình như chuyện khen thưởng, kỷ luật học sinh vẫn chưa có chuyển biến, ngay cả Thông tư 08 về lĩnh vực này được ban hành cách đây... 31 năm, chưa có nhiều sự thay đổi.


Có lẽ, trước khi nói về chất lượng dạy và học, điều cần thiết là phải xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất. Bởi, giáo dục phải từ gốc và hơn hết là phải giữ được những giá trị truyền thống.


Làm được những điều ấy, tin rằng với trẻ mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui.


HẢI NGUYỆT