11:10, 11/10/2018

Ứng phó với thiên tai

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh năm 2018.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh năm 2018.


 Phương án nói trên được xây dựng theo kịch bản bão cấp 15 kết hợp với triều cường. Đây là kịch bản có cấp độ nguy hiểm cao nhất. Theo đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án sơ tán dân; đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; phối hợp chỉ đạo phòng tránh, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; huy động nguồn nhân lực ứng phó; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; khắc phục hậu quả...


Thực tế cho thấy, công tác sơ tán dân luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngư dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.
 

Phần lớn thiệt hại về người do bão đều ở diện này. Do vậy, công tác sơ tán dân cần có kịch bản cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Về nhân lực, ở cơ sở thôn, tổ dân phố, có thể thành lập một lực lượng, có đủ thành phần cần thiết để khi có tình huống xấu xảy ra, lực lượng này triển khai ngay lập tức công tác  sơ tán; ứng cứu, một cách kịp thời, chính xác.


Cũng từ thực tế cơn bão số 12 năm 2017 cho thấy, một trong số những khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện hỗ trợ người dân là công tác kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại. Có lẽ, do lâu nay chưa có trường hợp thiệt hại nặng, trên diện rộng như vậy nên chúng ta đã lúng túng. Chẳng hạn như tiêu chí xác định tỷ lệ thiệt hại nhà ở cũng rất khó khăn. Bão qua cả tuần, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tức tốc làm việc cả trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật để xây dựng tiêu chí xác định tỷ lệ thiệt hại trình UBND tỉnh. Do đó, chúng ta phải có phương án sẵn để xử lý kịp thời. Bởi bão tan, người dân phải tự sửa chữa nhà ở, khi đó, không còn cơ sở thực tế đánh giá thiệt hại cho chính xác. Mà như vậy, việc hỗ trợ sẽ rất khó khăn.


Về cơ chế, chính sách, cần có hệ thống khung quy định thiệt hại một cách cụ thể, chi tiết. Nhà bay mái bao nhiêu phần trăm xếp mức nào, nhà sập mức độ nào; lồng bè có diện tích bao nhiêu, mất bao nhiêu vật nuôi xếp ở mức nào; tàu, thuyền hỏng, chìm, nhiều mức độ khác nhau xếp ở mức nào... Xây dựng sẵn một bộ khung như vậy rồi, khi có sự cố xảy ra, lực lượng ở thôn xóm, tổ dân phố như đã nói ở trên, tùy tình hình thực tế mà áp vào, chốt được ngay mức độ, tỷ lệ thiệt hại cũng như mức hỗ trợ. Sớm công bố khoản hỗ trợ, người dân sẽ chủ động hơn trong tính toán các khoản tiền sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa cũng như đầu tư khôi phục sản xuất.


Thực tiễn luôn đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi rất hóc búa. Chẳng hạn như qua cơn bão số 12, tàu cá công suất từ 90CV trở lên có mua bảo hiểm mới được đền bù thiệt hại. Còn lại, tàu cá công suất dưới 90CV chưa có quy định hỗ trợ. Vậy thì xử lý theo hướng nào? Hoặc có nhiều trường hợp rất “đau đầu” như nhà dân xây dựng trái phép trong khu vực quy hoạch; lồng bè người dân nuôi trồng thủy sản không tuân thủ quy hoạch, không kê khai ban đầu... bị thiệt hại nặng có được hỗ trợ hay không, nếu có thì ở mức độ nào? Những câu chuyện như trên cần có hướng xử lý kịp thời, có lý, có tình.


Một vấn đề đáng lưu ý nữa là cần có kịch bản cụ thể để chủ động nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai. Thực tế cho thấy, mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo rất cụ thể, các địa phương vẫn rất lúng túng trong việc huy động kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017.


Cơn bão số 12 năm 2017 đã cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm. Do đó, cần chuẩn bị sẵn kịch bản cụ thể cho những tình huống thiên tai xấu nhất có thể xảy ra. Để khi lâm sự đỡ bị động, lúng túng.


PHONG NGUYÊN