09:10, 07/10/2018

Số phận Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong

Theo thông tin trên các báo, ngày 25-9, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã kiến nghị Chính phủ cho phép dừng thực hiện Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, lý do xin ngừng là để tập trung nguồn lực thực hiện dự án khác.

Theo thông tin trên các báo, ngày 25-9, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã kiến nghị Chính phủ cho phép dừng thực hiện Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, lý do xin ngừng là để tập trung nguồn lực thực hiện dự án khác. Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, bộ đồng tình với đề xuất dừng dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Theo ông, trước đây khi tham gia góp ý về dự án này, Bộ Tài chính cũng đã nêu quản điểm dừng trong 2 văn bản.


Do đây là dự án có quy mô lớn, công suất lọc dầu thiết kế khoảng 10 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 4,8 tỷ USD nên Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo.


Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong được lãnh đạo tỉnh đặt vấn đề với Petrolimex từ năm 2007 với mong muốn Khánh Hòa có một cơ sở công nghiệp tầm cỡ, làm động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh và khu vực phát triển. Đối tác đầu tiên của Petrolimex là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc SINOPEC. Khi đó, Tổng giám đốc Petrolimex là ông Bùi Ngọc Bảo đã mời lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy lọc hóa dầu Yangpu trên đảo Hải Nam thuộc SINOPEC. Nhà máy này có công suất hơn 8 triệu tấn/năm, tương đương với Nhà máy lọc dầu Dung Quất và được thi công trong vòng… 18 tháng, đây là mẫu hình nhà máy Vân Phong nếu 2 bên đạt được thỏa thuận.


Sau khi thỏa thuận không thành với SINOPEC, cuối năm 2014 Petrolimex cùng JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận chiến lược, mở đường cho đối tác Nhật Bản tham gia đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.


Trong suốt những năm qua, kể từ 2007, các cơ quan của tỉnh và thị xã Ninh Hóa đã dốc sức giải phóng mặt bằng để đón dự án này. Toàn bộ xã Ninh Phước đã được di dời để lấy mặt bằng cho dự án này và dự án nhiệt điện của Tập đoàn Sumitomo.


Trong khi chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng, giới chuyên gia nhận định khả năng cho Petrolimex rút dự án là cao. Bởi hiện tại, chỉ với năng lực lọc dầu của 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn đã đáp ứng 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Hơn thế, thị trường xăng dầu thế giới hết sức cạnh tranh, ngay chính Petrolimex cũng được tự do chọn nhà cung cấp nào có chính sách giá cả cạnh tranh nhất để nhập về, đảm bảo thị trường bán lẻ trong nước!


Thị trường là như vậy. Hy vọng lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan liên quan nên chủ động sớm có phương án thay thế dự án này. 11 năm qua là khoảng thời gian bị lãng phí không nhỏ.


Thủy Ngân