11:10, 25/10/2018

Cần hướng đi mới

Trung tâm học tập cộng đồng là một trong những thiết chế giáo dục quan trọng, có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập, từ cấp xã, phường, thị trấn. Tại các trung tâm học tập cộng đồng, người dân được học tập xóa mù chữ; phổ biến kiến thức; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống... nhằm góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) là một trong những thiết chế giáo dục quan trọng, có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập, từ cấp xã, phường, thị trấn. Tại các trung tâm HTCĐ, người dân được học tập xóa mù chữ; phổ biến kiến thức; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống... nhằm góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Trên địa bàn Khánh Hòa, giai đoạn 2001 - 2004, chỉ có 35 trung tâm HTCĐ ở 35 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2014, hệ thống mạng lưới này đã phủ kín 137 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm HTCĐ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên và suốt đời. Một số trung tâm, nhất là ở các xã nông thôn đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cho người dân học tập các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật; chuyển giao khoa học công nghệ... góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.


Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, hiện nay, cơ cở vật chất của các trung tâm HTCĐ còn thiếu thốn; cơ chế hoạt động của trung tâm tuy đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng tính pháp lý trong hoạt động của trung tâm còn hạn chế; mỗi năm, trung tâm được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên là 44 triệu đồng, nhưng trong đó 2/3 là phục vụ chi trả phụ cấp cho ban quản lý, số ít còn lại để tổ chức các hoạt động nên hiệu quả rất thấp. Cạnh đó, bộ máy quản lý của các trung tâm hầu hết là cán bộ đương chức kiêm nhiệm, ít có thời gian dành cho hoạt động của trung tâm. Hoạt động của các trung tâm HTCĐ được đánh giá là có hiệu quả ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, còn ở địa bàn thành thị, người dân không mấy mặn mà với các trung tâm này vì ít có nhu cầu đối với các hoạt động như: xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, dạy nghề... Ở thành thị, có nhiều ngành nghề xã hội có nhu cầu thì các trung tâm HTCĐ lại không đủ cơ sở, điều kiện để tổ chức đào tạo.


Mới đây, Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo về xây dựng và phát triển các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động trung tâm HTCĐ có thể kết hợp với trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Bởi hoạt động của 2 loại hình trung tâm đều nhằm tạo điều kiện cho mọi người được phổ biến, tuyên truyền kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; được học tập thường xuyên và suốt đời; được nâng cao kiến thức về các mặt, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống... Mặt khác, nếu kết hợp trung tâm HTCĐ với trung tâm văn hóa - thể thao sẽ tăng được kinh phí hoạt động cho trung tâm HTCĐ - văn hóa - thể thao.


Điểm đáng lưu ý, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất lớn trong phát triển trung tâm HTCĐ. Lấy xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh - nơi được chọn thực hiện thí điểm mô hình HTCĐ, làm ví dụ. Theo Giám đốc Trung tâm HTCĐ Diên Thọ Nguyễn Chí Tiến, Đảng ủy, HĐND, UBND xã luôn xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập; xây dựng trung tâm HTCĐ là nhiệm vụ quan trọng của địa phương cho nên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động mở lớp. Nhờ đó, nhận thức về việc học tập của người dân có nhiều thay đổi, mang lại hiệu quả cao hơn trong tổ chức HTCĐ.  


Có thể thấy, mặc dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhiều trung tâm HTCĐ đã có tác dụng duy trì vốn văn hóa địa phương, thay đổi đời sống vật chất và tinh thần người dân ở các làng xã. Do vậy, cần nghiên cứu, xác định một hướng đi mới. Để trung tâm HTCĐ thực sự là trường học của người dân.


PHONG NGUYÊN