03:11, 30/11/2021

Một số giải pháp xây dựng Đảng từ góc nhìn nhà giáo

Những năm qua, Chi bộ Trường Tiểu học Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn là "người cầm lái" vững vàng cho con thuyền nhà trường cập bến thành công. Các thế hệ thầy, cô giáo của trường đã nêu gương sáng và chung tay "truyền lửa" cho lớp lớp thế hệ học trò. 
 

Những năm qua, Chi bộ Trường Tiểu học Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn là “người cầm lái” vững vàng cho con thuyền nhà trường cập bến thành công. Các thế hệ thầy, cô giáo của trường đã nêu gương sáng và chung tay “truyền lửa” cho lớp lớp thế hệ học trò. 
 
Từ khi thành lập đến nay, Chi bộ luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong nhà trường. Chi bộ trường luôn được công nhận đạt trong sạch, vững mạnh; Công đoàn, Đoàn Thanh niên của nhà trường luôn là đơn vị mạnh của thị xã và tỉnh. Trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần tặng bằng khen. Chi bộ lãnh đạo nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. 

 

Trường Tiểu học Ninh Diêm (ảnh chụp năm 2020)
Trường Tiểu học Ninh Diêm (ảnh chụp năm 2020)
 
Hiện nay, đội ngũ giáo viên nước nhà không ngừng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tiếp tục được chuẩn hoá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, còn một số mặt hạn chế: Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, gần đây một số ít nhà giáo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của nghề dạy học, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, vấn đề rèn luyện nhân cách người thầy giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người. 
 
Để xây dựng đội ngũ nhà giáo có nhân cách tốt, trước hết cần rèn phẩm chất chính trị. Đối với đội ngũ nhà giáo, phẩm chất chính trị là yêu cầu chủ đạo. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết, đội ngũ giáo viên phải có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhãn quan sắc bén, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, đặc biệt những quan điểm của Đảng đối với giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Thời nào cũng vậy, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò làm người. Vì vậy, phải dùng nhân cách của mình để giáo dục nhân cách người học. Vì vậy, trước hết, bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, luôn phải làm “kiểu mẫu” về mọi mặt, có như vậy thì hình mẫu nhà giáo mới có ý nghĩa giáo dục. Thầy, cô giáo ở các nhà trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất; tập trung hình thành năng lực và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học trong dạy học. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học hướng vào người học; tích cực đổi mới, cải tiến phương tiện dạy học bảo đảm tính khoa học và hiện đại; thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

 

Các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Ninh Diêm.
Các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Ninh Diêm.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, người thầy phải luôn luôn gương mẫu, phải không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Muốn phụng sự nhân dân, để xã hội tôn kính, trước hết đội ngũ nhà giáo cần yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp; khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Yêu nghề, yêu người là một trong những phẩm chất hàng đầu của nhà giáo cách mạng, càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu.
 
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước coi trọng nâng cao đời sống đội ngũ giáo viên. Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: “Có cơ chế khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ”. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì nhất thiết phải bảo đảm được nhu cầu cần thiết của giáo viên, bởi họ không thể trở thành nhà giáo giỏi trong khi bản thân chưa bảo đảm được cuộc sống gia đình. Vì thế, Nhà nước phải có chế độ, chính sách, đặc biệt là chính sách về tạo nguồn, sử dụng và bố trí công việc phù hợp với chuyên môn. Đồng thời, bảo đảm về mức lương, chính sách đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và hiệu quả làm việc của đội ngũ giáo viên.
 
HÀ THỊ NHƯ TRÂM