09:09, 14/09/2022

Kỳ 1: Quyết tâm đặc biệt cho cơ chế đặc thù

Với Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, chưa bao giờ khát vọng vươn tầm để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là đầu tàu của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lại mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Cả hệ thống chính trị đã và đang dồn lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Với Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, chưa bao giờ khát vọng vươn tầm để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là đầu tàu của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lại mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Cả hệ thống chính trị đã và đang dồn lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ Chính trị và Quốc hội.

 

Kỳ 1: Quyết tâm đặc biệt cho cơ chế đặc thù

 

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội như một bệ phóng cực đại để Khánh Hòa có thể phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là sự kỳ vọng rất lớn mà Trung ương dành cho Khánh Hòa. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải tập trung hành động với quyết tâm cao nhất, nhằm tận dụng tối đa cơ chế đặc thù để đạt mục tiêu vươn cao, vươn xa.

 

Một góc Vân Phong
Một góc Vân Phong

 

Từ Kết luận 53 đến Nghị quyết 09 

 

Còn nhớ, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Nghị quyết 09 như một món quà mà Bộ Chính trị dành tặng cho Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa. Các mục tiêu nêu ra cho Khánh Hòa rất lớn, là sự kỳ vọng, khẳng định niềm tin của Bộ Chính trị và các bộ, ngành Trung ương đối với sự phát triển tỉnh Khánh Hòa để tương xứng với vị trí chiến lược đặc biệt. Đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề. Để có thể thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương cần phải có sự quyết tâm, sự chung sức đồng lòng, đoàn kết cả hệ thống chính trị của tỉnh”.

 

Cách đây 10 năm trước, ngày 24-12-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau gần 10 năm thực hiện kết luận này, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển Quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Khu kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. 

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận thấy, sự phát triển đó vẫn chưa xứng với sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Chính vì vậy, để “xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền Quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc…”, ngay trong năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp nhưng Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cùng với Ban Kinh tế Trung ương tiến hành nhiều hội thảo, làm cơ sở tổng kết Kết luận 53 và cùng với Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới cho Khánh Hòa. Từ những nỗ lực ấy, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong tầm nhìn dài hạn cũng như những bước đi trước mắt. 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa tại Vân Phong
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa tại Vân Phong.

 

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, ngay sau khi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị được ban hành, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã rất chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Ủy ban của Quốc hội... nhanh chóng thể chế hóa chủ trương “xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm tương đồng với các thành phố khác trong cả nước, phù hợp vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc”. Với sự quyết tâm, chủ động, rất khẩn trương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, Chính phủ đã thông qua đề xuất để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa ngay tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vừa qua. 

 

Quyết tâm cao độ

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ nặng nề của mình trong việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội. Chính vì vậy, trong những tháng đầu năm, cả bộ máy chính trị đã làm việc không ngừng. Chưa bao giờ tỉnh phải giải quyết một khối lượng công việc lớn như vậy. Các vướng mắc đều được bàn bạc, tháo gỡ một cách nhanh nhất. Bên cạnh giải quyết công việc hàng ngày, tỉnh đã liên tục tổ chức các cuộc họp để triển khai công việc nhằm cụ thể hoá các nghị quyết, chính sách mà Trung ương dành cho tỉnh. 

 

 

Hội thảo xây dựng tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
Hội thảo xây dựng tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045

 

Để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phát động phong trào thi đua đặc biệt. Qua đó, nhằm tạo ra một phong trào thi đua sâu rộng, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên; khơi dậy tiềm năng và nguồn lực xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

 

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh yêu cầu toàn tỉnh phải quyết tâm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55 của Quốc hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; trở thành cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Các tổ chức, đơn vị phải triển khai đợt thi đua sâu rộng, chất lượng gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dễ kiểm tra, giám sát, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. 

 

Chấn chỉnh lề lối làm việc

 

Song song với việc phát động thi đua, lãnh đạo tỉnh nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong công việc, vẫn còn hiện tượng thiếu tính chủ động, tính tự giác trong nghiên cứu giải quyết, tham mưu. Đôi khi còn có tình trạng chờ văn bản giao việc hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị khác. 

 

Để khắc phục ngay những tồn tại hạn chế nêu trên, ngày 9-8-2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Quy chế làm việc của UBND tỉnh và Quyết định phân công công tác của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các ủy viên UBND tỉnh. Trong công tác tham mưu phải chủ động, không ngừng trau dồi, nghiên cứu, nắm chắc các quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành không tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thông qua các công việc, đề án không đúng thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp quy định của pháp luật hoặc chưa có quy định của pháp luật…

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy, lề lối làm việc. Để thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải nêu cao tinh thần tự giác và có trách nhiệm với công việc. Trong những năm tới, khối lượng công việc sẽ rất lớn, nếu vẫn giữ thói quen làm việc như trước đây thì không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ và công việc được giao. 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Để Khánh Hòa có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới, yêu cầu tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; mặt khác, phải tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển. Trong đó, định hướng xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn vốn và cách quản trị từ quốc tế. Cùng với đó, phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nâng cao năng lực cán bộ. Tập trung cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. 

 

Đình Lâm