10:04, 01/04/2023

Khánh Hòa phải là cực tăng trưởng của vùng và cả nước

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với tỉnh Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, với những cơ chế chính sách ưu đãi của Trung ương, Khánh Hòa  phải phát triển đột phá trong những năm tới đây, sớm trở thành cực tăng trưởng của vùng và của cả nước.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với tỉnh Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, với những cơ chế chính sách ưu đãi của Trung ương, Khánh Hòa  phải phát triển đột phá trong những năm tới đây, sớm trở thành cực tăng trưởng của vùng và của cả nước.
 

<p style=

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

 
Chiều 1-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của địa phương. Cùng tham dự làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan,  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Thượng tướng Phạm Hoài Nam -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía tỉnh Khánh Hòa, có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành; thường trực các thành ủy, thị ủy, huyện ủy trong tỉnh.
 
 

<p>Quang cảnh buổi làm việc</p>

Quang cảnh buổi làm việc

 
Kinh tế phục hồi tốt
 
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa,  năm 2022, với sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, chủ động của UBND tỉnh, sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt.  Năm 2022, GRDP năm của tỉnh  tăng 20,7%, 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Quý I năm 2023, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì với mức tăng 9,07%, đứng thứ 4 cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là kết quả thực hiện chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác thu hút đầu tư từ nguồn vốn FDI còn thấp; các chỉ số PAPI, PCI, PAR INDEX chậm được cải thiện…
 
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc.
 
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo các sở, ngành tại buổi làm việc.
 
Cùng với sự phục hồi về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng của tỉnh cũng đạt kết quả khá tốt. Năm 2022, tỉnh đã kết nạp 1793 đảng viên mới,  vượt chỉ tiêu (1.700 đảng viên). Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng cao; tạo dấu ấn và sự lan tỏa về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo khắc phục các tồn tại, khuyết điểm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ. Đến nay, đã chỉ đạo thu hồi tiền thất thoát tại một số dự án vi phạm với số tiền trên 128 tỷ đồng.
 
Cần nguồn vốn để thực hiện các dự án
 
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ ưu tiên đẩy nhanh tốc độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; sớm chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh và dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng để công bố tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.  Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, nguồn tăng thu ngân sách Trung ương giai đoạn 2022 - 2025 để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là bố trí vốn để thực hiện dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa (thuộc Khu Kinh tế Vân Phong); dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 26B để kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột xuống cảng Nam Vân Phong; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 1.500 giường… Bố trí vốn chuẩn bị triển khai đầu tư dự án Hồ chứa nước Đồng Điền (cấp nước cho Khu Kinh tế Vân Phong) trong giai đoạn 2023 - 2025, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.143 tỷ đồng. 
 
Ông Nguyễn Hải Ninh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Ông Nguyễn Hải Ninh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Khánh Hòa, nhất là chỉ tiêu đất công nghiệp (để phát triển Khu Kinh tế Vân Phong) và chỉ tiêu đất ở đô thị (để phục vụ mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030); chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, bổ sung Khánh Hòa vào danh sách các tỉnh, thành phố được quy hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu của khu vực Nam Trung Bộ trong Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Khánh Hòa phải phát triển đột phá
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những kết quả mà tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa bền vững. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh “Khánh Hòa phải phát triển đột phá trong những năm tới đây, trở thành cực tăng trưởng của vùng và của cả nước”. Bởi vì Khánh Hòa có 5 yếu tố rất thuận lợi: có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, kinh tế - đối ngoại,  là trung tâm kết nối của Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ;  Tỉnh có hạ tầng tương đối đồng bộ cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường cao tốc, đường biển. Đặc biệt hiện nay, tỉnh có tương đối đầy đủ cơ chế chính sách của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ… để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, tăng sức cạnh tranh. Có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninhTỉnh có có bề dày lịch sử 370 năm xây dựng và phát triển, là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, con người cần cù thông minh.
 
Theo Thủ tướng, dư địa để phát triển kinh tế của Khánh Hòa còn rất lớn, đặc biệt là kinh tế biển (đường bờ biển 328km, 3 vịnh lớn..). Thủ tướng lưu ý, trong sự phát triển kinh tế phải luôn gắn với với an ninh quốc phòng, an ninh được giữ vững mới có thể  phát triển kinh tế; phát huy tiềm năng thế mạnh, nhưng phải lấy sức mạnh nội lực để phát triển, nâng cao tính tự lực tự cường; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm,  làm việc nào dứt điểm việc đó, đi đôi là phân cấp phân quyền, gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác cán bộ.
 
Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng lưu ý, tỉnh phải xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch vừa được phê duyệt, trong đó phải có phân kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết vùng thực chất, hiệu quả, có định hướng, tầm nhìn dài hạn, tương hỗ, cộng hưởng lẫn nhau để triển khai hiệu quả Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng cơ cấu lại nền kinh tế của Khánh Hòa theo hướng bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn; đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc…để tạo điều kiện phát triển kinh tế, kinh nghiệm của trong và ngoài nước cho thấy, cơ sở hạ tầng thúc đẩy rất lớn cho việc phát triển kinh tế. Muốn vậy, tỉnh phải  huy động tối đa các nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư; bên cạnh đó phải rà soát lại các dự án đang thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cùng với ngân hàng tháo gỡ dòng vốn để doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn.… Thủ tướng cũng yêu cầu Khánh Hòa Xây dựng đề án phát triển kinh tế huyện Trường Sa để phát triển Trường Sa theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; chuẩn bị  khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào tháng 6… 
 
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của Khánh Hòa liên quan tới công tác quy hoạch, cân đối nguồn vốn đầu tư nâng cấp một số tuyến đường, dự án, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, đất ở đô thị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại tỉnh Khánh Hòa…Cho ý kiến cụ thể về từng nội dung, Thủ tướng yêu cầu trong các dự án mà tỉnh đề xuất, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cho tuyến đường ven biển; đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa theo nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ"… Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của các cơ quan chức năng, đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp pháp hóa cái sai nhưng xử lý các vướng mắc, giải phóng nguồn lực phát triển.
 
Xuân Thành - Đình Lâm