09:12, 08/12/2022

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: 40 năm vì hòa bình, phát triển bền vững biển và đại dương

Ngày 10-12-1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết. Trải qua 40 năm, UNCLOS không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Ngày 10-12-1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết. Trải qua 40 năm, UNCLOS không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.


Ngay vào ngày mở ký chính thức (ngày 10-12-1982), 117 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước. Ngày 16-11-1994, một năm kể từ khi có đủ 60 quốc gia thành viên phê chuẩn, UNCLOS năm 1982 đã chính thức có hiệu lực. Đến nay, UNCLOS năm 1982 đã có 168 quốc gia thành viên phê chuẩn.

 

x
Đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: THÁI THỊNH

 

Bản “Hiến pháp về đại dương”


UNCLOS năm 1982 đã tạo dựng một khuôn khổ pháp lý công bằng, hài hòa lợi ích của các nhóm nước khác nhau như giữa những nước có biển và không có biển, hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý giữa nước phát triển và các nước đang phát triển, kém phát triển. Cụ thể, lần đầu tiên UNCLOS năm 1982 đã hoàn chỉnh các quy định về xác định ranh giới các vùng biển từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả và Vùng (đáy biển quốc tế). Quyền lợi của các quốc gia không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý cũng được tính tới khi một loạt quy định về quá cảnh, khai thác lượng đánh bắt cá dư được quy định trong quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Bên cạnh đó, đặc thù của các quốc gia quần đảo cũng lần đầu tiên được xem xét và pháp điển hóa thành quy chế pháp lý của quốc gia quần đảo.


Đặc biệt, bên cạnh việc kế thừa quy định tự do biển cả, UNCLOS năm 1982 lần đầu tiên xây dựng quy chế pháp lý về Vùng với đặc trưng là di sản chung của nhân loại. Trong đó, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA) được thành lập để xây dựng quy chế về khai thác tài nguyên tại Vùng và phân bổ lợi ích công bằng tới các quốc gia thành viên. Hiệp định về thực hiện phần XI cũng đã được ký kết vào năm 1994 để bổ sung các quy định cụ thể về quản lý và khai thác Vùng cho UNCLOS năm 1982.


Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế. UNCLOS năm 1982 đã tái khẳng định tinh thần của nguyên tắc này, đồng thời khéo léo kết hợp các biện pháp hòa bình để tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc thù của các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.


Không chỉ tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, phổ quát, một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo, thúc đẩy hòa bình, ổn định trên biển, UNCLOS năm 1982 còn có những quy định tiến bộ, gắn liền với định hướng quản trị biển và đại dương bền vững, hướng tới tương lai. Nghĩa vụ hợp tác là tâm điểm của Công ước khi được đề cập tới 60 lần tại 14 điều khoản khác nhau trong Công ước, trong đó có quy định về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, gìn giữ môi trường biển, hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hợp tác tại vùng biển nửa kín, hợp tác trong trấn áp tội phạm trên biển...


Thường được coi là một bản “Hiến pháp về đại dương”, việc ký kết UNCLOS cách đây 40 năm là một dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật quốc tế, tạo ra một khung pháp lý toàn diện giúp quản trị biển hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và sự phát triển bền vững biển và đại dương.


Việt Nam là thành viên có trách nhiệm


Ngay sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã tích cực tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ ba của Liên hợp quốc; đồng thời ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa vào ngày 12-5-1977. Mặc dù được công bố từ năm 1977, nhưng nội dung của Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS được các quốc gia ký kết vào năm 1982. Năm 1994, Việt Nam là quốc gia thứ 63 phê chuẩn UNCLOS năm 1982, trước khi Công ước chính thức có hiệu lực vào tháng 12-1994. Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn UNCLOS năm 1982 đã khẳng định rõ, bằng việc phê chuẩn UNCLOS năm 1982, Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.


Sau khi trở thành thành viên chính thức của UNCLOS năm 1982, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong nước để cụ thể hóa các quy định của Công ước trong nhiều lĩnh vực, như biên giới lãnh thổ, hàng hải, thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường biển và hải đảo... Đặc biệt, năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam với hầu hết các nội dung tương thích với UNCLOS năm 1982.


Thực hiện nghĩa vụ quy định tại UNCLOS năm 1982, năm 2009, sau 15 năm trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam đã đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hợp tác cùng Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng chung tại phía nam Biển Đông, nơi hai nước có thềm lục địa chồng lấn, chưa phân định.


Với tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982, Việt Nam đã phân định các vùng biển chồng lấn thành công với nhiều nước láng giềng. Song song với phân định biển, Việt Nam và Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận về hợp tác nghề cá tại vịnh Bắc Bộ, qua đó xác lập khu vực hợp tác đánh bắt cá chung và tuần tra chung để ngăn ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm trên biển.


Đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một mặt, Việt Nam khẳng định có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý để minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này; mặt khác, Việt Nam xác định cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của UNCLOS năm 1982. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đang tích cực cùng Trung Quốc và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).


Ngày 22-10-2018, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được ban hành. Chiến lược xác định rõ “Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa biển, kết hợp với tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chiến lược xác định tầm nhìn tới năm 2045 là Việt Nam sẽ tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương.


Thực hiện tinh thần này, năm 2021, Việt Nam đã cùng 11 nước sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS năm 1982 nhằm tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi các vấn đề về biển và đại dương, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS. Việt Nam đang và sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, thảo luận về các vấn đề mới nổi lên của biển và đại dương như bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với biển và đại dương, quản trị các hoạt động trên biển trong điều kiện có các thách thức an ninh phi truyền thống mới, như đại dịch Covid-19, nạn buôn bán người, di cư trái phép...


PGS, TS NGUYỄN THỊ LAN ANH - Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao
(Theo tapchicongsan.org.vn)