08:08, 06/08/2022

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Chiều 6-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An, Sóc Trăng, Khánh Hoà về triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng tham dự. Tại điểm cầu Khánh Hoà, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

 

Chiều 6-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An, Sóc Trăng, Khánh Hoà về triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng tham dự. Tại điểm cầu Khánh Hoà, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược) và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp được phân công và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường phát triển khá đa dạng, hiện đại. Đến cuối năm 2021, toàn quốc có 126 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 46 tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số trên thiết bị di động đi kèm các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được các tổ chức tín dụng chú trọng phát triển. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Các cơ sở hạ tầng tài chính được hoàn thiện và sử dụng hiệu quả như: Hệ thống thanh toán điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu tài chính toàn diện, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa

Tại Khánh Hoà, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3681 ngày 16-4-2020 thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để thực hiện tốt các mục tiêu tài chính toàn diện trên địa bàn, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai Đề án thí điểm xây dựng Khu dân cư điện tử tại một số vùng nông thôn thuộc địa bàn TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh. Toàn tỉnh có 185 điểm giao dịch ngân hàng và phòng giao dịch bưu điện, 317 máy ATM. Doanh số nộp thuế điện tử qua ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác đạt trên 96%; 100% số thu thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu phí, lệ phí Hải quan đều được thanh toán qua ngân hàng…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược; làm tốt công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người dân nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thúc đẩy tài chính toàn diện một cách thiết thực, hiệu quả, chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở cấp cơ sở, góp phần thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

H.DUNG