09:07, 10/07/2022

Bộ Chính trị ban hành quy định mới về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm

Ngày 6-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm (sau đây gọi là Quy định 69). Quy định mới thay thế Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Ngày 6-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm (sau đây gọi là Quy định 69). Quy định mới thay thế Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.


Quy định 69 gồm 4 chương, 58 điều, quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; áp dụng đối với tổ chức Đảng (gồm cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).


Quy định nêu rõ, tất cả tổ chức Đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.


Kỷ luật tổ chức Đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.


Đảng viên trong tổ chức Đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức Đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định. Đảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức Đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.


Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật Đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.


Đáng chú ý, Quy định 69 nêu 14 nguyên tắc xử lý kỷ luật; trong đó quy định rõ 6 trường hợp chưa kỷ luật hoặc miễn kỷ luật. Đảng viên vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì được miễn kỷ luật...


Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.


Ngoài các quy định chung làm rõ nguyên tắc, thời hiệu kỷ luật, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật và hình thức kỷ luật, Quy định 69 gồm 17 điều quy định chi tiết về kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và 22 điều quy định chi tiết về kỷ luật đảng viên vi phạm.


Quy định 69 cũng ghi rõ Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định này; đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng và tổ chức Đảng có liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.


Thủy Ngân