11:05, 19/05/2022

Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa: Bảo đảm tốt công tác hậu cần

Thực hiện Nghị quyết số 623 ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác bảo đảm hậu cần phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ biên giới biển, đảo của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 623 ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác bảo đảm hậu cần phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ biên giới biển, đảo của tỉnh.


Chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ


Theo Đại tá Nhữ Mai Pháo - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thời gian qua, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 623 và các văn bản của cấp trên về lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên đưa nội dung công tác hậu cần vào nghị quyết lãnh đạo với chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, từng bước nâng cao chất lượng công tác hậu cần, bảo đảm đời sống bộ đội.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đầm Môn tích cực tăng gia sản xuất.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đầm Môn tích cực tăng gia sản xuất.


Hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, những năm qua, ngành Hậu cần BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo phong trào thi đua và đạt được kết quả tích cực. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, các đơn vị luôn đảm bảo hơn 80% nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm tươi sống từ nguồn sản xuất tại chỗ. Giá trị thu từ tăng gia sản xuất, dịch vụ sau khi trừ chi phí đạt bình quân 1,2 triệu đồng/người/năm; đưa vào ăn thêm trong các ngày lễ, Tết bình quân 2.000 - 3.000 đồng/người/ngày; bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn chế độ lễ, Tết cho các đối tượng. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giá cả thực phẩm tăng cao, các đơn vị đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất với nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất trong mọi tình huống; góp phần nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.


Sẵn sàng bảo đảm cho các tình huống

 

Hàng năm, quân y BĐBP tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho các trường hợp bệnh lý đang ở giai đoạn tiềm ẩn; phối hợp với các cơ sở y tế địa phương làm tốt công tác kết hợp quân dân y, khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc cho người dân. Trong 10 năm qua, quân y BĐBP tỉnh đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 4.600 lượt người dân khu vực biên giới hải đảo, địa bàn miền núi, gia đình chính sách, hộ nghèo; cấp cứu 648 lượt người; tích cực cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Điểm nổi bật về công tác hậu cần thời gian qua là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động huy động các nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới một số công trình cơ quan, đồn, trạm, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập; làm mới hệ thống biển, bảng, trồng cây ăn quả, cây bóng mát tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các cơ quan, đơn vị duy trì thường xuyên phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”  kết hợp chặt chẽ với các phong trào chuyên ngành hậu cần như: “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Quân y 5 tốt”, “Xây dựng quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”... góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng ngành chính quy, vững mạnh toàn diện.


Theo Thượng tá Nguyễn Công Chức - Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP tỉnh, ngành luôn thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về xây dựng tiềm lực hậu cần trong khu vực phòng thủ, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.


Đại tá Trần Thanh Hà - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là công tác chăm lo, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ và bảo đảm về lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc, xăng dầu, phương tiện vật chất phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh...”.


NAM HUỆ