11:01, 26/01/2022

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2022), 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24-2-1930 – 24-2-2022), Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2022), 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24-2-1930 – 24-2-2022), Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

 

 Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng


- Xin ông cho biết một số kết quả về công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong năm 2021?

- Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng Đảng bộ tỉnh đã tập trung tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai thực hiện đồng bộ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; lãnh đạo thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh, điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang; lãnh đạo việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Việc triển khai thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở đảng được tiến hành nghiêm túc. Vai trò, vị trí của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng được khẳng định rõ nét trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Trong năm, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 1.459 đảng viên; thành lập mới 2 tổ chức đảng, giải thể 1 tổ chức đảng, kết nạp được 100 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Các cấp ủy tiếp tục tập trung kiện toàn chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị, địa phương sau bầu cử; sắp xếp, tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

 

Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị giai đoạn 2016 - 2021

Ông Nguyễn Khắc Toàn trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị giai đoạn 2016 - 2021


Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được quan tâm đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và có giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức đảng; kiên quyết xử lý đối với những sai phạm được chỉ ra, nhất là trên lĩnh vực quản lý tài sản công, việc chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách... Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo việc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


Kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng năm qua chính là sự chuyển biến rõ nét trong tư tưởng và hành động của đa số cán bộ, đảng viên từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.


“Cán bộ là gốc của mọi công việc”


- Từ thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?


- Những năm qua, công tác lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ trong nhiều trường hợp còn hình thức, đôi khi còn nể nang, ngại va chạm; kết quả đánh giá năng lực của cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất. Công tác quy hoạch vẫn còn tình trạng khép kín, chưa đáp ứng yêu cầu “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn còn tình trạng chưa gắn chặt giữa đào tạo với sử dụng cán bộ.


Qua thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới như sau:


Một là, đánh giá đúng cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng cần dân chủ bàn bạc, thảo luận, thống nhất đánh giá từng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn được xây dựng; đặc biệt, phải lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm làm thước đo chủ yếu, nhất là việc đảm bảo sự tín nhiệm của quần chúng, đoàn thể nơi công tác; tránh đánh giá cán bộ chủ quan, phiến diện, duy ý chí, không căn cứ tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh.


Hai là, thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quy hoạch cán bộ, gắn với chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng. Trong đó, cần hết sức chú ý việc công khai quy hoạch cán bộ, qua đó không chỉ giúp cán bộ được quy hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực để đáp ứng tốt vị trí được quy hoạch, mà còn tạo điều kiện để đảng viên và nhân dân tham gia theo dõi, phản biện, giám sát kết quả phấn đấu, rèn luyện của cán bộ. Mặt khác, điều này cũng góp phần ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ.


Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với sử dụng cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tạo điều kiện để cán bộ được tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng, gắn với yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí công tác. Song song đó, cần thực hiện việc luân chuyển, bố trí cán bộ tham gia công tác tại cơ sở để tích lũy kinh nghiệm và bồi dưỡng năng lực thực tiễn. Qua đó, khắc phục lối làm việc theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”, “sống lâu lên lão làng” hoặc tình trạng cán bộ chưa được đào tạo cơ bản; đồng thời tránh tình trạng quá coi trọng bằng cấp mà không chú ý đến năng lực thực tiễn và sự tín nhiệm của quần chúng. Mặt khác, để công tác cán bộ đạt hiệu quả cao, sau khi cán bộ được bố trí thì cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát cũng như giúp đỡ cán bộ; kiên quyết không bố trí, sử dụng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu của công việc.


- Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?


- Quán triệt yêu cầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, làm thường xuyên”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định thời gian tới tập trung thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:


Thứ nhất, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân. Xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.


Thứ hai, tiếp tục giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với công tác bố trí nhân sự chủ chốt tại các cơ quan, địa phương, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực; phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ.


Thứ ba, tăng cường hoạt động của của ủy ban kiểm tra các cấp, trong đó chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác thu hồi tài sản thất thoát sau thanh tra, kiểm tra; đồng thời, giám sát những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực; qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm.


Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục tình trạng trì trệ, né tránh, sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đơn vị, gây chậm trễ, ách tắc trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.


- Xin cảm ơn ông!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)