09:05, 18/05/2021

Khát vọng cho dân tộc từ một sự kiện lịch sử

Cách đây 110 năm (vào ngày 5-6-1911), từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Cuộc hành trình tạo nên những bước ngoặt to lớn trong cách mạng Việt Nam, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử, số phận của  dân tộc Việt Nam và công cuộc xây dựng đất nước.

Cách đây 110 năm (vào ngày 5-6-1911), từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Cuộc hành trình tạo nên những bước ngoặt to lớn trong cách mạng Việt Nam, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử, số phận của  dân tộc Việt Nam và công cuộc xây dựng đất nước.


Trước hết, sự kiện lịch sử này giúp Nguyễn Tất Thành tiếp thu được học thuyết Mác - Lênin. Tháng 7-1920 qua Báo Nhân đạo (L’Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của  Lênin. Luận cương thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc. Người đọc đi, đọc lại nhiều lần và tìm thấy con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân. Nhờ những tư tưởng cơ bản của “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” và kinh nghiệm, tri thức hoạt động thực tiễn nên đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến Chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tour tháng 12-1920. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Người. Nguyễn Ái Quốc chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản đấu tranh cho lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin.

 

Bến Nhà Rồng là một di tích lịch sử rất nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Bến Nhà Rồng là một di tích lịch sử rất nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet


Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đi qua 4 châu lục, khảo sát nhiều nước thuộc địa và những nước tư bản tiên tiến điển hình thời bấy giờ như Mỹ, Anh, Pháp; tiếp xúc nhiều người, nhiều nhà tư tưởng nhưng tất cả chưa mang lại lời giải cho cách mạng Việt Nam, chỉ có học thuyết Mác - Lênin và Quốc tế III là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa. Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Người chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.


Thứ hai, Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước trở thành người cộng sản và dứt khoát lựa chọn con đường đi theo Chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Chủ nghĩa Mác - Lênin giúp Hồ Chí Minh phát hiện và nhận thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển trong tiến trình đi lên của loài người và đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lênin mở ra ở Cách mạng tháng 10-1917, đem lại những thành tựu vĩ đại cho nước ta như: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ với thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” giải phóng miền Bắc, chiến thắng 30-4-1975 giải phóng đất nước…


Thứ ba, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước có tính truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến lên Chủ nghĩa xã hội”. Sinh ra và lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, có nhiều con đường của các bậc tiền bối hình thành để cứu dân, cứu nước, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi Nhật như cụ Phan Bội Châu, không đi Trung Quốc như cụ Nguyễn Thượng Hiền… Bởi Người nhìn thấy các mặt tích cực nhưng cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế của các lối đi. Vì vậy, Người tìm một lối đi mới mà bấy giờ chưa ai nghĩ đến, đó là sang Pháp “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Người còn sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác.


Hiện nay, học tập tinh thần của Người, trong thế giới phẳng, có rất nhiều trào lưu mới, chúng ta phải chủ động, sáng tạo, học tập những tinh hoa, phương pháp đúng đắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội, nghiên cứu khoa học, hoạch định đường lối xây dựng, phát triển đất nước. Mỗi cá nhân cần độc lập, tự chủ trong việc xây dựng cuộc sống, tìm ra những mô hình khởi nghiệp mới, đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cộng đồng, xã hội. Có như vậy, mới góp phần “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.


Thạc sĩ Hoàng Ngọc Đạo
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)