10:07, 16/07/2020

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh đầu tư công

Sáng 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Tại đầu cầu Khánh Hòa có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành tham dự.

Sáng 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Tại đầu cầu Khánh Hòa có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành tham dự.


Giải ngân chậm


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, ước giải ngân đầu tư công của cả nước được gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước hơn 145.000 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 7.000 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). Trong số đó, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, trong số này có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.

 

Các địa phương giải ngân đạt từ 45% trở lên gồm: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Các tỉnh: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai có tốc độ giải ngân rất chậm.

Dự án đường đi Đầm Môn đang bị chậm giải ngân vốn.


Đối với Khánh Hòa, đến ngày 30-6, giải ngân vốn địa phương đạt 39,9% kế hoạch; giá trị giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt hơn 789 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chỉ giải ngân được 21,8% kế hoạch; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) giải ngân đạt 9,17% kế hoạch.


Theo UBND tỉnh, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới tiến độ thi công các công trình bị chậm. Các dự án mới khởi công sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng chung, dự phòng 10% phải hoàn thiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đến nay chưa thể giao kế hoạch vốn năm 2020 bởi các địa phương phải thực hiện rà soát lại đối tượng, mục tiêu, nội dung, quy mô đối với danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.


Về nguyên nhân chủ quan, công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Các bước công bố giá ca máy, thiết bị thi công xây dựng và đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh chậm ban hành. Do vậy, các chủ đầu tư bị chậm trễ trong công tác lập, trình phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán công trình và triển khai thi công, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.


Thúc đẩy đầu tư công

 

Các địa phương giải ngân đạt từ 45% trở lên gồm: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Các tỉnh: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai có tốc độ giải ngân rất chậm.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Theo đó, sẽ rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn với các dự án bị vướng bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư chậm, các dự án đến ngày 30-9-2020 mới giải ngân dưới 60% kế hoạch. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ; không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch. UBND tỉnh thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh. Tổ tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh theo từng quý, năm; báo cáo UBND tỉnh phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm phù hợp với tiến độ, khả năng triển khai thực hiện của các dự án để trình HĐND tỉnh xem xét. Thời gian tới, UBND tỉnh giao cho 2 Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp theo dõi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của các dự án đầu tư công, tham mưu kịp thời lên cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định pháp luật. Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể, theo đúng lĩnh vực quản lý.


Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những khó khăn về tài chính do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FPI; xây dựng chương trình hành động cụ thể về giải ngân các nguồn vốn trên phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương. Lãnh đạo các địa phương cấp tỉnh quan tâm hỗ trợ các địa phương cấp huyện, cấp xã trong việc thảo luận, đối thoại với người dân về giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa; đôn đốc giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những đơn vị, địa phương, cá nhân làm tốt hoặc làm không tốt công tác này.


Đình Lâm