07:06, 21/06/2020

Mãi học theo tấm gương làm báo của Người

Ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. 

Ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Suốt 95 năm qua, báo chí cách mạng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, đó là phục vụ sự nghiệp của Đảng, phục vụ nhân dân. Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Người nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.


Không chỉ sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn là người thầy của báo chí cách mạng. Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã viết gần 3.000 bài báo trong nước và quốc tế với gần 200 bút danh khác nhau. Cuộc đời làm báo của Người và những huấn thị về báo chí, những câu chuyện tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước... đã để lại cho các thế hệ làm báo những bài học vô giá.


Trong các bài nói chuyện, trong những lần gặp gỡ trực tiếp với các nhà báo, Bác đều để lại những bài học nghề nghiệp sâu sắc; rèn giũa đạo đức, tác phong và sự thận trọng của người làm báo, nghề báo. Trong bài giảng “Cách viết” tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-1953, Bác chỉ ra 5 cách tìm tài liệu, 5 khâu trong lao động nhà báo: “1 - Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2 - Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3 - Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4 - Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5 - Ghi: Những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”.


Theo Bác, mỗi khi viết một bài báo, phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Cho dù chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhưng lời dạy của Người mãi mãi vẫn vẹn nguyên giá trị.


Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp dành cho đội ngũ những người làm báo soi xét lại mình. Nghề báo cũng là một nghề trong xã hội, nghề nào cũng có những quy tắc đạo đức riêng, nhưng riêng nghề báo có sứ mạng riêng. Những lời dạy của Người mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người làm báo.


Với di sản đồ sộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo hôm nay nguyện suốt đời noi theo tấm gương làm báo của Người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh sáng mãi trong lòng những người cầm bút, sáng mãi trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.


KHÁNH HÒA