11:05, 15/05/2020

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Khánh Hòa cần tiếp tục phát huy kết quả cải cách hành chính

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tại buổi kiểm tra công tác cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa, chiều 15-5. Làm việc với đoàn kiểm tra có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tại buổi kiểm tra công tác CCHC tỉnh Khánh Hòa, chiều 15-5. Làm việc với đoàn kiểm tra có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Nhiều nỗ lực


Kết quả kiểm tra trực tiếp tại UBND TP. Nha Trang của đoàn kiểm tra cho thấy, trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, UBND TP. Nha Trang đã giải quyết gần 28.000 hồ sơ; chỉ số hài lòng chung đạt 80,18%; chỉ số CCHC đạt 78,02%, xếp loại khá. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn khá cao, năm 2019 là 5,84%, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Một số lĩnh vực do tài liệu, hồ sơ đầu vào nhiều, phức tạp nên chưa thực hiện đầy đủ việc số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử trong quá trình tiếp nhận. Việc trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong một số trường hợp còn chậm.

 

Ông Trương Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa.


Trên toàn tỉnh, hầu hết mục tiêu giai đoạn 2011 - 2020 mà tỉnh đề ra đều đạt, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành sớm hạn. Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến (TTDVHCCTT) tỉnh đi vào hoạt động đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần tích cực xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay, TTDVHCCTT đã hoàn thành kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia trên toàn bộ các yêu cầu; đồng bộ hóa hơn 70.000 hồ sơ lên cổng...


Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có tiến bộ và duy trì mục tiêu tối thiểu 80% đề ra. Trong giai đoạn 2015 - 2018, chỉ số CCHC của Khánh Hòa có 3 năm liên tục tăng hạng; chỉ số năm 2018 tuy giảm so với năm 2017, nhưng vẫn tăng 11 bậc so với năm 2015, đúng thứ nhì khu vực miền Trung và Tây Nguyên; riêng về dịch vụ công trực tuyến đứng đầu 63 tỉnh, thành phố.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Khánh Hòa cần tiếp tục phát huy kết quả cải cách hành chính

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ hai từ phải qua) khảo sát tại bộ phận một cửa UBND TP. Nha Trang.


Tổng số TTHC ở 3 cấp hành chính tỉnh hiện nay là 1.746. Hiện nay, tỉnh có 2.094 quy trình chi tiết giải quyết TTHC, trong đó 471 quy trình liên thông nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính. Năm 2019, chỉ số CCHC trung bình đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền công bố của UBND tỉnh đạt 83,67%. 9 khối cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công đều có chỉ số hài lòng đạt hơn 80%.


Ở nội dung cải cách tổ chức bộ máy, tỉnh đã sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy của một số sở, qua đó giảm 19 đầu mối thuộc cơ cấu tổ chức các sở, 45 đơn vị và đầu mối thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. So với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 11,97% số công chức và giảm 11,99% viên chức.


Tuy vậy, công tác truyền thông về dịch vụ công trực tuyến ở một số cơ quan, cấp cơ sở chưa hiệu quả; việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa đồng bộ, thường xuyên. Kết quả giải quyết TTHC trên một số lĩnh vực phức tạp như đất đai, đầu tư vẫn còn hồ sơ trễ hẹn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, giảm 20,8% so cùng kỳ năm trước.


Nhiều đề xuất, kiến nghị

 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan xem xét cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn được chậm nộp đến giữa năm 2021 các khoản thuế, bảo hiểm xã hội của năm 2019 - 2020; miễn thuế VAT quý I, II và giảm 50% cho các tháng còn lại của năm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung số vốn còn thiếu đối với dự án đường cất hạ cánh số 2 sân bay Cam Ranh là 418 tỷ đồng để hoàn thành dự án trong năm 2020; bổ sung vốn còn thiếu hơn 436 tỷ đồng cho 21 dự án, công trình đã đưa vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2020; bố trí nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng chuyển từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thành dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá Khánh Hòa (giai đoạn 1) trong năm nay. Đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040; sớm ban hành kết luận thanh tra của các đoàn Thanh tra Chính phủ vào các năm 2015, 2017…

Lãnh đạo TP. Nha Trang cho biết, bộ phận Một cửa UBND TP. Nha Trang hiện giải quyết trung bình 3.000 hồ sơ/tháng, bằng tổng số hồ sơ tiếp nhận của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong khi số biên chế được giao chỉ có 123 người. Thành phố kiến nghị điều tiết bổ sung biên chế công chức hành chính và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nha Trang. Năm học 2019 - 2020, Nha Trang có 1.914 lớp, tăng 69 lớp so với năm học 2013 - 2014, số giáo viên đang thiếu so với định mức quy định nhưng hàng năm vẫn phải tinh giản biên chế. Thành phố kiến nghị không cắt giảm biên chế ngành Giáo dục và giao bổ sung biên chế theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, kiến nghị chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về trực thuộc lại tại cấp huyện...


Lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cho phép UBND cấp tỉnh chỉ căn cứ TTHC đã được công bố, cập nhật mã quốc gia địa phương hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC rồi công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và ban hành các chi tiết thực hiện thủ tục, không phải công bố lại danh mục thủ tục. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi một số biểu mẫu thống kê cho phù hợp; hướng dẫn thêm Thông tư số 01/2018 về đánh giá chất lượng giải quyết TTHC; xem xét bãi bỏ quy định về điều kiện nâng TTHC từ mức độ 3 lên mức độ 4; rà soát, bổ sung, đồng bộ hóa một số lĩnh vực thủ tục để cập nhật ở địa phương, đáp ứng yêu cầu đồng bộ hóa hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kiến nghị cho phép tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp để tạo thuận lợi nhiều hơn cho người lao động và các doanh nghiệp...


Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được

Ông Trương Hòa Bình ghi nhận các kết quả đã đạt được của Khánh Hòa và giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ ghi nhận các kiến nghị của tỉnh để xem xét, đề xuất hướng giải quyết, hướng dẫn, trả lời.


Đối với công tác CCHC, ông yêu cầu lãnh đạo tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được thời gian qua, đồng thời chú ý thực hiện một số nội dung như: gắn việc thực hiện công tác CCHC với Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và triển khai thực hiện các chương trình tổng thể CCHC gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phục vụ. Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục các tồn tại trong công tác cán bộ thời gian trước. Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử phải gắn chặt với CCHC; tăng cường công tác theo dõi kết quả CCHC của các cơ quan, đơn vị.


NGUYỄN VŨ

 


 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, đề nghị tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh thế mạnh du lịch, đề nghị tỉnh tập trung phát triển thêm một số lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư, tạo kết nối hạ tầng tốt với các khu vực động lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công...

______________________________________________

 

Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao 200 triệu đồng tặng Quỹ Khuyến học tỉnh.


Cùng ngày, ông Trương Hòa Bình và đoàn kiểm tra đã đến thăm hỏi, động viên 2 gia đình có công với cách mạng ở Nha Trang là gia đình ông Lê Thành (cha của 2 liệt sĩ) và gia đình ông Nguyễn Ngọc Hòa, người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học hơn 81%. Ông mong muốn các gia đình tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.