02:05, 27/05/2020

Giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngày 27-5, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, QH đã dành toàn bộ ngày làm việc thứ 7 để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến.

Ngày 27-5, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH đã dành toàn bộ ngày làm việc thứ 7 để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Đoàn Đại biểu QH tỉnh Khánh Hoà dự họp tại điểm cầu Khánh Hoà, trong đó có các ông: Nguyễn Khắc Định - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.


 

Quang cảnh phiên họp Quốc hội tại điểm cầu Khánh Hoà.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội tại điểm cầu Khánh Hoà.

 

Kết quả giám sát cho thấy, những năm qua, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát được quan tâm hơn; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em được tiến hành kịp thời. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường...

Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, có vụ xâm hại nghiêm trọng. Từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2019, toàn quốc có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ bị xâm hại; khá nhiều trẻ em lao động không đúng quy định pháp luật về lao động hoặc bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn; hàng trăm trẻ bị tử vong...Thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.


Đoàn giám sát của QH chỉ ra 9 nguyên nhân của những tồn tại trong công tác này, đồng thời có 1 kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 5 kiến nghị với QH và các cơ quan của QH; 15 kiến nghị với Chính phủ và các bộ cùng nhiều kiến nghị các cơ quan khác. Trong đó, đoàn kiến nghị: QH tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chính phủ có giải pháp khắc phục, giảm số vụ xâm hại trẻ em, riêng năm nay, cần ban hành hoặc chỉ đạo ban hành 9 văn bản liên quan. Đoàn cũng đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao bảo đảm tỷ lệ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em đạt 90-100%; các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác này.

 

Các đại biểu QH đã đánh giá tình hình thực hiện nội dung trên và dự báo thời gian tới; phân tích nguyên nhân của kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại; đánh giá các giải pháp kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác này; cho ý kiến dự thảo nghị quyết của QH về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.


N.V