09:12, 13/12/2019

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.


- Thưa ông, thời gian qua, bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vậy, tỉnh đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ người chăn nuôi?

 


- Chính sách hỗ trợ đối với những hộ gia đình bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi thời gian qua đã được thực hiện đúng quy định, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với bệnh dịch tả heo châu Phi như sau: đối với heo tiêu hủy trước ngày 27-6-2019 thì thực hiện theo Quyết định 2229 năm 2017 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đối với heo tiêu hủy sau ngày 27-6-2019, chính sách hỗ trợ thực hiện theo Quyết định 793 ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và Quyết định số 2229 năm 2017 của UBND tỉnh.


Đối với các hộ chưa được hỗ trợ, UBND các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các hộ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi để gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra, tổng hợp gửi Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách để hỗ trợ theo quy định.


- Thưa ông, người trồng mía cũng bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hạn hán, năng suất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có chính sách nào để hỗ trợ hay không?


- Đối với cây mía, có chính sách hỗ trợ cụ thể về giống cây trồng theo quy định tại Quyết định 2229 năm 2017 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Các địa phương bị ảnh hưởng cần tổng hợp, triển khai theo quy định của UBND tỉnh.


- Đối với việc thực hiện Quyết định 1609 năm 2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, hồ sơ quyết toán kinh phí hỗ trợ mua giống cây trồng cần phải có hóa đơn tài chính. Người dân cho rằng điều này gây khó khăn, do họ chủ yếu mua phân bón, cây giống từ đại lý nhỏ, không có hóa đơn. Muốn có hóa đơn, họ phải mua ở đại lý lớn nhưng phải chịu thêm thuế giá trị gia tăng nên phần kinh phí được hỗ trợ còn lại rất ít. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?


- Việc quy định có hóa đơn tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trong vấn đề cung cấp giống có chất lượng. Đối với vấn đề này, UBND tỉnh có quy định: “Trường hợp mua bán các loại giống cây trồng không có hóa đơn tài chính thì cần có giấy biên nhận mua bán nhưng không vượt quá mức quy định và phải được UBND cấp xã xác nhận”. Như vậy, việc mua giống cây trồng không nhất thiết phải có hóa đơn tài chính. Một vấn đề các địa phương cần lưu ý, khi phê duyệt kinh phí để thực hiện hỗ trợ, phải tính toán đầy đủ chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm thuế giá trị gia tăng) để người dân được hưởng toàn bộ 50% chi phí mà Nhà nước hỗ trợ theo quy định.


- Xin cảm ơn ông!


BÍCH LA (Thực hiện)