10:12, 10/12/2019

Du lịch, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững

Sáng 10-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019. 

Sáng 10-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019. Nhiều đại biểu bày tỏ mối lo ngại, băn khoăn khi du lịch phát triển thiếu bền vững, cơ cấu khách quốc tế mất cân đối nghiêm trọng; tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả ba tiêu chí; nông nghiệp tăng trưởng chậm…


Đề nghị xây dựng Chiến lược phát triển du lịch dài hạn


Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Minh Long đặt vấn đề: Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 12,6%; trong đó có gần 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,3% so với năm 2018. Doanh thu du lịch ước được 27.100 tỷ đồng, tăng 24,2%. Nhìn qua số liệu này, có thể thấy du lịch Khánh Hòa phát triển rất tốt, tuy nhiên trong thực tế, du lịch của tỉnh phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, trong đó nổi cộm là việc cơ cấu khách quốc tế mất cân đối nghiêm trọng. “Khách Trung Quốc chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa. Trong khi đó, lượng khách từ các thị trường: Tây Âu, Bắc Mỹ… lại liên tục giảm, chỉ còn chưa đến 50% so với cao điểm năm 2013. Cụ thể năm 2013, Khánh Hòa đón hơn 35.000 lượt khách Mỹ, gần 30.000 lượt khách Anh thì đến hết tháng 10 năm nay, mới chỉ đón hơn 18.000 lượt khách Mỹ và 10.000 lượt khách Anh. Ngành Du lịch phải có giải pháp để điều chỉnh cơ cấu thị trường khách quốc tế”, đại biểu Đoàn Minh Long bày tỏ.

 

Khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong khách quốc tế  đến Khánh Hòa.

Khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong khách quốc tế đến Khánh Hòa.


Cùng băn khoăn về việc du lịch phát triển thiếu bền vững, đại biểu Lương Hùng Minh cho rằng, du lịch là ngành kinh tế liên ngành nên cần phải có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các sở, ban, ngành của tỉnh để hỗ trợ cho du lịch. Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, bên cạnh thế mạnh về du lịch biển đảo, ngành Du lịch của tỉnh cần phải đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… để đa dạng hóa sản phẩm, du khách có thêm sự lựa chọn. Để thực hiện điều này, UBND tỉnh cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, khai thác sản phẩm; đồng thời đó là cách để hỗ trợ các địa phương khác (ngoài Nha Trang) phát triển du lịch.


Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch khẳng định những vấn đề mà các đại biểu nêu là những hạn chế mà ngành Du lịch đang gặp phải, cũng là điều mà lãnh đạo ngành đã trăn trở suốt thời gian qua. Sau một thời gian nỗ lực điều chỉnh, khách du lịch từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đã có sự tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên do lượng khách Trung Quốc quá lớn nên muốn giảm tỷ trọng khách Trung Quốc cần phải có thời gian. Hiện nay, ngành Du lịch đang xây dựng đề án tái cơ cấu du lịch, trong đó tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: Sản phẩm du lịch, không gian phát triển du lịch, cơ cấu khách du lịch và nhân lực du lịch. Hiện nay, 80% lượng khách tập trung ở Nha Trang, thời gian tới sẽ điều chỉnh để đưa du khách giãn ra Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và nam Vân Phong. Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, UBND huyện Diên Khánh và doanh nghiệp để xây dựng đề án Làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở Diên Khánh; việc phát triển du lịch sinh thái ở Hòn Bà, sông Cái Nha Trang cũng đã được tính đến. Để du lịch Khánh Hòa phát triển bền vững, năm 2020, sở sẽ đề nghị tỉnh xây dựng Chiến lược phát triển du lịch dài hạn.


Tai nạn giao thông tăng cao


Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cả ba tiêu chí. Theo báo cáo UBND tỉnh, tính đến hết tháng 11-2019, toàn tỉnh xảy ra 152 vụ TNGT, làm chết 156 người, bị thương 63 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT tăng 20 vụ, tăng 22 người chết và tăng 31 người bị thương. Đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị phải làm rõ nguyên nhân của thực trạng trên và có giải pháp để kiềm chế TNGT trong thời gian tới, chứ không thể nói chung chung. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, từ đầu năm đến nay, TNGT đường bộ tăng cao (tăng 13 vụ, tăng 13 người chết). Trong đó, có đến 85% vụ TNGT đường bộ liên quan đến mô tô, trong đó 60% do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông (đa phần là có sử dụng rượu bia). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở quá nhiều nên việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt rất khó khăn…


Bên cạnh đó, một số đại biểu phản ánh, đầu năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang đến năm 2020 và định hướng đến 2025, tuy nhiên do việc triển khai giải pháp thiếu đồng bộ nên đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Nha Trang vẫn tiếp diễn. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để giải tỏa áp lực giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang… Chốt lại vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: “Phải có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại TP. Nha Trang. Trong đó, ngành Giao thông và TP. Nha Trang phải sớm xây dựng các bãi đỗ xe ở hai đầu thành phố, mở rộng việc thu phí đậu xe trên đường…”.

Nông nghiệp giảm mức tăng trưởng


Ở lĩnh vực nông nghiệp, một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Tuy nhiên đến nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp những năm qua thấp; thậm chí năm 2019 khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm 1,9%. Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phản ánh, có quá nhiều vấn đề khó khăn tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nông dân trong tỉnh, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Đặc biệt, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang gây nhiều lo lắng đối với nông dân, nhất là sau khi thị trường Trung Quốc siết chặt xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Ông Trung dẫn chứng, đầu năm, giá ốc hương 300.000 đồng/kg, giữa năm rớt xuống 200.000 đồng/kg, đến tháng 10-2019 chỉ còn 135.000 đồng/kg; tôm hùm, xoài Úc cũng liên tục rớt giá, chỉ còn 50% so với trước đây, trong khi bưởi da xanh đã có thương hiệu nhưng vẫn chưa xuất khẩu được. Ngoài ra, việc bảo quản nông sản sau thu hoạch của người dân rất khó khăn, chỉ cần thương lái chậm thu mua thì chất lượng nông sản, thủy sản bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến tình trạng rớt giá… Rất muốn xây dựng kho bảo quản nhưng các hợp tác xã, nông dân không đủ lực, bởi kinh phí quá cao (1 kho lạnh 500m3 giá trị đầu tư lên đến 1 tỷ đồng). Vì vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp hiệu quả để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống.


Kết luận phiên thảo luận, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các thành viên của UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu các vấn đề đại biểu đã nêu để trả lời trong phiên chất vấn; trong đó, cần tập trung vào các vấn đề như: Cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc hỗ trợ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các chính sách an sinh xã hội; giải pháp để điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020… để trả lời trong phiên chất vấn.


THÀNH NGUYỄN - BÍCH LA

 


 

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020


* Các chỉ tiêu kinh tế:


- Tốc độ tăng trường kinh tế (GRDP) tăng 7,2%


- GRDP bình quân đầu người đạt 73,02 triệu đồng/người


- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7%


- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,53 tỷ USD


- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.273 tỷ đồng


- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 51.290 tỷ đồng


* Các chỉ tiêu xã hội:


- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) đạt 0,92%


- Số lao động có việc làm tăng thêm 11.600 người


- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%


- Số giường bệnh quốc lập trên 1 vạn dân đạt 32,1 giường


- Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 8 bác sĩ


- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90%


- Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện/lực lượng lao động đạt 31,42%, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp/lực lượng lao động đạt 26,3%


- Có 61,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.


* Các chỉ tiêu môi trường:


- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%


- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 95%.