12:02, 05/02/2019

Nhớ Tết đảo xa

Tết ở Trường Sa bao giờ cũng đặc biệt hơn những vùng quê khác trên đất mẹ Việt Nam. Bởi vậy, với những ai đã từng công tác, sinh sống ở Trường Sa, mỗi độ xuân về luôn cồn cào, rạo rực nhớ Tết nơi đảo xa.

Tết ở Trường Sa bao giờ cũng đặc biệt hơn những vùng quê khác trên đất mẹ Việt Nam. Bởi vậy, với những ai đã từng công tác, sinh sống ở Trường Sa, mỗi độ xuân về luôn cồn cào, rạo rực nhớ Tết nơi đảo xa.


Xuân ấm áp


Có hơn 5 năm công tác ở Trường Sa, cũng từng ấy năm anh Nguyễn Phi Ý Hoài (TP. Nha Trang) được ăn Tết ở Trường Sa. Giờ đây, về đất liền công tác, cứ mỗi lần Tết đến, xuân về trong anh lại rạo rực nỗi nhớ Tết Trường Sa. Anh Hoài chia sẻ, Tết ở Trường Sa thường không ồn ào và náo nhiệt như đất liền, nhưng không khí Tết vẫn đủ đầy, làm cho mỗi người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió ấm lòng. Tết ở Trường Sa thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác trên Tổ quốc. Trên đảo, nền văn hóa trên mọi miền đất nước được hội tụ, từ đòn bánh tét, bánh chưng, cành mai vàng rực rỡ đến cành đào đỏ thắm… Hơn thế nữa, quân dân cùng sum vầy, quây quần bên mâm cỗ ngày Tết càng tô thắm thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của người con đất Việt.

 

1

Lính đảo múa lân mừng năm mới.


Những ngày trước Tết, trên các đảo, những cành mai, cành đào, góc sân được trang trí lộng lẫy tạo nên không khí xuân ấm áp. Quân dân cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét trong tiết trời se lạnh; cùng nhau thức canh nồi bánh chưng, chơi đàn ghi ta hát râm ran cả một góc trời trong khoảnh khắc giao mùa. Khác với đất liền, phần lớn bánh chưng ở Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông. Giải thích về “bí mật” này, anh Đỗ Huy Minh (thị xã Ninh Hòa) có 5 năm công tác ở thị trấn Trường Sa cho biết: “Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông thấy thiêng liêng lắm. Bởi trong mỗi chiếc lá bàng, dường như có tinh thần của quân dân trên đảo. Chính cái vị chan chát, hăng hắc của lá bàng vuông, cùng vị mặn mòi của nước biển nơi đầu sóng ngọn gió đã thấm vào từng gân lá hòa quyện vào mùi nếp, khiến ai ăn rồi đâu dễ gì quên…”.

 

1

Trang hoàng cho cây mai đón Tết.


Còn anh Đặng Anh Tòng (huyện Cam Lâm) có 5 năm làm việc ở đảo Song Tử Tây bồi hồi kể, đêm giao thừa, quân và dân trên đảo quây quần bên nhau xem văn nghệ, thi hái hoa dân chủ… Đến thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, mọi người lại gọi nhau lên chùa hái lộc. Sáng mùng 1 Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo chào cờ đầu năm, hát Quốc ca dưới cột mốc chủ quyền; ban chỉ huy đọc thư chúc Tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh gửi quân dân trên đảo. Rồi mọi người lên chùa thắp hương cầu an, đi chúc Tết các hộ dân, lì xì các em nhỏ. Những ngày sau đó, không khí trên đảo rất rộn ràng bởi các hoạt động vui xuân như: kéo co, cờ tướng, bóng chuyền, nhảy bao bố, đá bóng, bơi thúng... Không khí rộn ràng, vui tươi, đầm ấm và đầy nghĩa tình ấy đã làm cho những ai về đất liền mãi mới nhớ đến Tết Trường Sa.


Tự hào được ở Trường Sa


Với những ai đã và đang công tác, sinh sống ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ. Trong thời khắc giao thừa chuyển sang năm mới, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, từ trong huyết quản mỗi người lại trào dâng niềm tự hào xúc động. Tự hào bởi được góp sức, nhân dân trao gửi niềm tin giữ biển đảo. Tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về đảo xa với tất cả niềm thương nhớ vô bờ. Chính niềm tự hào ấy đã hóa thành chí lớn, nghĩa cao, đức cả mà chỉ những con người ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sứ mệnh, nghĩa vụ lớn lao với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

1

Thi nhảy bao bố.


Giờ đây đã về đất liền công tác, anh Nguyễn Văn Quyết (TP. Cam Ranh) cũng như những người đã từng ở Trường Sa vẫn luôn tự hào vì đã có một thời gắn bó với mảnh đất thiêng liêng ấy. Anh Quyết tâm sự: “Ngày cuối năm, những chuyến tàu chở hàng Tết ra Trường Sa lại hối hả. Tôi chỉ ước mình cũng được lên những chuyến tàu ấy, để lần nữa được ra Trường Sa sống, trong không khí Tết. Để thấy rằng, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách về địa lý xa xôi, dù bất thường về thời tiết nhưng quân dân Trường Sa vẫn vững vàng như cây phong ba hiên ngang giữa sóng gió biển khơi”. Bởi vậy, khi tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa bộn bề biển mặn, chẳng ai bắt nhịp, tất cả mọi người hát say mê từ trái tim mình trong niềm xúc động chung riêng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”.

 

1

Quân dân Trường Sa gói bánh chưng đón Tết.


Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời, giao hòa vào đó là tình người, tình yêu biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, lớp lớp người con đất Việt đang cống hiến lặng thầm, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


VĂN GIANG