09:02, 20/02/2018

Ngắm thiếu nữ trong tranh lại nhớ chàng danh họa

Giờ thì tôi chỉ thích ngắm thiếu nữ qua tranh. Trong tranh, "em" nào cũng thánh thiện, thiên thần. Mà tranh thiếu nữ, tôi chọn tranh ông Đinh Cường. Nhớ ngày ông mất, người bạn họa sĩ ở B'lao nhắn tin báo với tôi ông vừa ra đi.

Giờ thì tôi chỉ thích ngắm thiếu nữ qua tranh. Trong tranh, “em” nào cũng thánh thiện, thiên thần. Mà tranh thiếu nữ, tôi chọn tranh ông Đinh Cường. Nhớ ngày ông mất, người bạn họa sĩ ở B’lao nhắn tin báo với tôi ông vừa ra đi. Tôi đã đi uống rượu cả ngày sau đó, vì buồn, bởi mình mất đi một người thường đãi thiên thần (tranh) cho ngắm, và hơn thế là mặt đất khuất đi một người lành. Ông mất từ bên kia đại dương, ở thị trấn nhỏ Burke, bang Virginia nước Mỹ, mà sao cứ như ông còn ở quê hương Việt Nam của mình. Cứ mỗi lần ngắm người đẹp ông tạo ra xong, lại tràn theo về trong tôi hình ảnh ông như một “bức tranh người… sống”.

 

Họa sĩ Đinh Cường (bên trái) và tác giả bài viết.

Họa sĩ Đinh Cường (bên trái) và tác giả bài viết.


 * * *


Là họa sĩ lớn, đẳng cấp vượt khỏi cái “ao” hội họa trong nước từ lâu, nhưng phong thái của ông vẫn giản dị, bặt thiệp. Có lẽ phẩm chất nghệ sĩ ở ông nằm bên trong, cho mình, nên không cần ồn ào, không cần người để ý, biệt yêu, biệt đãi. Người làm văn hóa đích thực khác người làm showbiz ở chỗ này, nhất là kẻ tinh hoa. Ông từ tốn, nhỏ nhẹ đến độ không thể nhỏ nhẹ hơn thế. Ông là kẻ tan hòa vào tranh và chan hòa trước cuộc sống. Tranh ông chỉ toàn vẽ những trạng thái mong manh, dễ vỡ, chủ yếu thiếu nữ. Cái gì đẹp là nó đeo bám ông, phụ nữ là niềm cảm hứng suốt đời, và ông vẽ mãi một miền đẹp ấy. Qua tâm hồn ông, những cái lớp phàm tục của phụ nữ luôn được tẩy sạch, bao dung đến tuyệt đối. Cô gái nào cũng trong sáng, cũng thơ mộng. Ông vẽ về nó mà như cảm thức, chịu tác động, hàm ơn. Trong tranh Đinh Cường, sau thiếu nữ là ngựa. Mà ngay cả những cô gái hay con ngựa cũng là thoát tục, cũng là của ngày xa lắc xa lơ nào đó như không có thực. Ông làm mới cái hoài niệm, và làm hoài niệm cái đang diễn ra. Nghĩa là làm “thơ hóa”, thương yêu hóa cuộc sống cùng mọi thứ chung quanh. Chả có phân biệt, chính kiến, thái độ, tranh giành, đố kỵ gì ở trong tranh của ông, nếu có, chỉ là thái độ thờ phụng cái đẹp. Ông mở cho mình một dòng quan niệm sống và nhận thức nghệ thuật riêng, và cứ chảy như thế từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước đến giờ. Tranh ông giàu tính “nữ”. Tranh ông thánh thiện trong màu bạc phơ của ký ức và nâu xám của niềm vui. Sắc màu của riêng ông, một thứ “hội họa Đinh Cường”. Treo tranh Đinh Cường, dù người ta có nóng tính đến mấy cũng mềm ra, có ham hố bạc vàng, quyền uy đến mấy cũng chùng lại, hoặc ít nhất tạm gác lại tục lụy kia đã. Đinh Cường, một người đàn ông duy mỹ, nhân ái, độ lượng tuyệt cùng với cái đẹp. Đinh Cường, một kẻ gieo tình yêu cuộc sống bằng sắc màu.

 

1

Bức tranh Đốm lửa miền đồi núi

   

* * *


Hội họa của Đinh Cường và con người ông là sự nối tiếp, thay cho sự đứt quãng, của sự mực thước sang trọng Tây họa, lớp người bước ra từ nền tân họa, cụ thể là Trường Mỹ thuật Đông Dương, dù trường đó chỉ là quá khứ và ông thì học Trường Mỹ thuật Huế và Mỹ thuật Gia Định. Bởi ông là người duy nhất sinh hoạt mỹ thuật ở miền Nam. Dĩ nhiên ông là họa sĩ quan trọng của nền hội họa đương đại Việt Nam.

 

1

Bức tranh Thiếu nữ - Mùa xuân.


Quê nhà ông là Thủ Dầu Một, là Huế, là Sài Gòn, là B’lao, là con đường Hoa Hồng đầy cỏ dại ở Đà Lạt buổi nào, và đặc biệt là D’ran ở Đơn Dương… Những rẫy vườn ở Đơn Dương còn in bóng người họa sĩ cô lữ tá túc trong một căn chòi gỗ để vẽ cho hết tiếng vó ngựa cùng sương nhạt trên đó. Những quán cà phê  nghèo ở Đà Lạt còn đâu đó dư âm về người họa sĩ không hội hè bè nhóm lặng lẽ mà mãi về sau người ta mới biết mang tên “Đinh Cường”. Ông nhiều lần mang tranh từ Mỹ về Việt Nam để triển lãm, ở Huế, Sài Gòn, Đà Lạt. Có hai lần như thế ở Đà Lạt. Và hẹn cố thêm một lần khác nữa thì tim đã thôi đập rồi.


Một dạo, tôi hay nhìn bức tranh ông vẽ thời đôi mươi mà ngày đó ông mang đến treo ở quán cà phê Tùng. Có lần trở lại quán thấy vắng bức tranh. Tôi hỏi thì chủ quán bảo bức tranh “Không thể bán” sau 50 năm kia đã được tác giả nhờ người mua lại trị giá bằng 44 triệu đồng. Tranh ông nay triển lãm ở Đà Lạt thì tặng người này người kia, còn mình ngược về quá khứ đi mua lại bức tranh của mình để sửa lại (vì bà chủ quán có lần mang bức sơn dầu kia đi giặt, dùng bàn chải chà đánh xước tróc sơn dầu đi!). Tôi cảm nhận được điều lung linh này, vì ông là người nặng tình, nâng niu cái đẹp mà. Ông từng kể cho riêng tôi hay, rằng cô gái mình hạc sương mai trong tranh là bóng hình người con gái mơ mộng đầu tiên khi kẻ nông nổi đặt chân lên Tây Nguyên.


Chao ôi, cái con người cứ mãi mong manh, cầm chi sứ nghiệp sắc màu đến tàn hơi thế. Không phải ai cầm cọ cũng lành, và chân thật. Vẽ được như Đinh Cường, rất khó. Sống được như Đinh Cường, khó hơn. Đinh Cường tự thân đã là một bức tranh.

 

* * *


Tôi có biết, bạn tri kỷ nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Đinh Cường. Trịnh lúc còn dạy học ở B’lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng ngày nay) thường hay đón xe đò lên D’ran vì ở đây bạn hiền Đinh Cường đang tá túc và mượn một nhà kho bằng gỗ gần núi để làm xưởng vẽ. Ngược lại, họa sĩ Đinh Cường cũng từng bảo tôi như thế, với họ Trịnh. Cái khác nhau là rồi Đinh Cường đi nước ngoài để thêm bay bổng vẽ, hóa tro ở nước ngoài, còn Trịnh ở lại làm nhạc theo kiểu của mình, hóa tro trong nước; và cái khác sau rốt duy nhất của họ Trịnh và họ Đinh là Trịnh mất thì ồn ào, còn họ Đinh mất lặng lẽ. Lặng lẽ từ lúc trẻ thơ đến tàn cuộc - tuổi 76. Sự lặng lẽ là bình dị, nhưng sang trọng thì bao giờ cũng lên đến đỉnh, có thể “được” thành hư vô. Ấy cũng là lẽ bình thường về sự khác nhau giữa nghệ thuật của âm thanh và nghệ thuật của đường nét sắc màu, của thính giác và thị giác.


Vậy là “mong manh” ấy đã nhập vào mong manh.


Đã hơn một năm ông tan hòa thành sắc màu của vũ trụ, tôi nhìn thiếu nữ trong tranh mà thương nhớ chủ nhân tranh. Ông đã quần quật trong đó - miền thiên thanh của bất kỳ thiếu nữ nào - suốt đời, phụng hiến.


Tôi có hân hạnh được ông xem là bạn, bạn văn, vong niên, dù tôi kém ông 45 tuổi, và chúng tôi gặp, giao du với nhau vào đoạn sau rốt cuộc đời ông, khi ông nhớ quê về thăm Tây Nguyên. Xem thiếu nữ, xem tranh, lại còn nhớ cả thơ bạn già, sướng không chứ: “Thời gian trôi qua mấy đoạn phiêu bồng/Như cành cây rơi giọt nước xuống/Như tiếng còi tàu vừa đi qua đây”. (Krajan Bri)


NGUYỄN HÀNG TÌNH


 


 

Họa sĩ Đinh Cường tốt nghiệp sư phạm hội họa quốc gia Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (năm 1964) và Cao đẳng Mỹ thuật Huế sau đó. Ông dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, và cả hội họa ở Trường Nữ trung học Đồng Khánh - Huế… Năm 22, 23 tuổi, tranh của ông đã mấy lần được trao huy chương ở các cuộc thi toàn quốc về hội họa tại miền Nam. Ông có đến 25 cuộc triển lãm cá nhân và 25 cuộc triển lãm chung trong nước cũng như trên thế giới như: Pháp, Canada, Ấn Độ, Tunisia, Mỹ, Brazil, Nhật…