11:04, 06/04/2020

Dự thảo mức giảm trừ gia cảnh mới: Cần điều chỉnh phù hợp với thực tế

Sau hơn 1 tháng mở chuyên mục góp ý dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính soạn thảo, Báo Khánh Hòa đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc. 

Sau hơn 1 tháng mở chuyên mục góp ý dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ Tài chính soạn thảo, Báo Khánh Hòa đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc. Tòa soạn đã chọn đăng một số ý kiến. Đa số ý kiến đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh mới theo đề xuất của Bộ Tài chính còn thấp, chưa sát với thực tế, thậm chí chưa thực hiện đã lỗi thời.


Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế TNCN và mỗi người phụ thuộc khoảng 22,2% so với thời điểm năm 2013. Theo đó, nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế có ngưỡng thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra mức điều chỉnh này là dựa vào chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tại thời điểm cuối tháng 12-2019 đã tăng 23,2% so với tháng 7-2013.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Cường (Trưởng khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Nha Trang), trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế dựa trên mức tăng chỉ số CPI là tương đối hợp lý, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức tăng 22,2% thấp hơn 1% so với mức tăng chỉ số CPI (23,2%) là chưa phù hợp; đồng thời, với xu hướng giá cả sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… làm cho chi phí đầu vào các mặt hàng tiêu dùng tăng sẽ gây khó khăn lớn cho người nộp thuế TNCN.  Tiến sĩ Cường đề xuất, Bộ Tài chính cần điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc ngang bằng với mức tăng chỉ số CPI (23,2%). Đây là giải pháp áp dụng cho giai đoạn trước mắt khi chưa có một cơ sở khoa học nào tốt hơn. Trong dài hạn, Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất nâng mức giảm trừ này sát với thực tế hơn đối với người nộp thuế TNCN.

 


Ở góc độ người dân, bà Ngô Thị Giang - chủ cơ sở Hạt nhựa Hương Giang (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đưa ra là quá thấp, chưa phù hợp với cuộc sống hiện nay. Bản thân bà là người nộp thuế, cũng là người “giữ tay hòm chìa khóa” trong nhà và đi chợ hàng ngày nên bà nắm rõ sự biến động của giá cả. “Cách đây 3 năm, 100.000 đồng là đủ tiền chợ cho cả ngày với 5 người ăn, nhưng hiện nay tiết kiệm lắm cũng phải hơn 200.000 đồng. Không chỉ vậy, tiền điện, nước, giá xăng, giá dịch vụ y tế, giá thuốc khám chữa bệnh… đều tăng; tiền rác trước đây tầm 15.000 - 20.000 đồng/tháng, hiện nay tăng lên 40.000 - 50.000 đồng/tháng. Một bát phở thời điểm năm 2013 chỉ khoảng 20.000 đồng, nay tăng lên 40.000 đồng, gấp 2 lần. Vì vậy, theo tôi ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng, tương tự mức miễn trừ với người phụ thuộc phải là 6 triệu đồng/người. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng và nuôi một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế TNCN”, bà Giang đề xuất.


Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - giảng viên một trường đại học ở TP. Nha Trang băn khoăn: Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh thấp, quy định người có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc nên không được giảm trừ gia cảnh cũng bất hợp lý, bởi số tiền đó không đủ đảm bảo cuộc sống. Như trường hợp của bà, với thu nhập 12 triệu đồng/tháng và ở chung với mẹ trên 70 tuổi thì bà không được tính giảm trừ gia cảnh, vì mẹ bà có lương hưu 1,2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, tuy thuộc diện phải đóng thuế TNCN nhưng cuộc sống của mẹ con bà khá vất vả, phải chi tiêu hết sức tằn tiện mới đủ và không có tích lũy.

 
Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang kiến nghị: Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu để nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với mức tăng giá cả hàng hóa, tránh thuế chồng thuế. Ví dụ như bà phụ trách kinh doanh cho 1 doanh nghiệp tư nhân tại TP. Nha Trang, thu nhập 15 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc nên theo mức giảm trừ gia cảnh mới, bà phải đóng thuế TNCN đối với số tiền 4 triệu đồng vượt mức quy định. Với nguồn thu nhập này, nếu không có việc đột xuất thì mỗi tháng bà tiết kiệm được 4 triệu đồng, nếu trong tháng có nhiều việc đột xuất thì bà không tiết kiệm được đồng nào mà vẫn phải đóng thuế TNCN. Chưa kể, nếu mỗi tháng bà tiết kiệm được 4 triệu đồng, đến khi đủ tiền mua được chiếc xe máy thì lại phải tiếp tục đóng thuế. Như vậy có phải bà phải chịu 2 lần thuế đối với số tiền này?


Ông Nguyễn Xuân Dương (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) thì cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh không nên cào bằng trên toàn quốc. Bởi chi phí để đảm bảo đời sống giữa người ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… luôn cao hơn khu vực nông thôn và miền núi. Ngay trong tỉnh Khánh Hòa, mọi dịch vụ ở Nha Trang cũng có giá cao hơn các khu vực khác. Vì vậy, theo ông Dương, Bộ Tài chính cần đưa ra nhiều mức giảm trừ gia cảnh khác nhau, ít ra cũng phải phân theo khu vực nông thôn, thành thị.


Bà Phan Tường Vân (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cũng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh theo dự thảo là chưa phù hợp. Theo bà, thay vì quy định cứng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì nên quy định hệ số nhân mức lương cơ sở để khi lương cơ sở điều chỉnh tăng, mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo. Bà Vân đề xuất, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế nên bằng 10 lần lương cơ sở, còn mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 4 đến 5 lần lương cơ sở...


Có thể nói, với rất nhiều ý kiến chưa đồng tình với dự thảo về mức giảm trừ gia cảnh mới, thiết nghĩ, Bộ Tài chính nên nghiên cứu, tiếp thu để có sự điều chỉnh cho phù hợp.


Ngọc Khánh