04:07, 03/07/2011

Gian nan chuyện… chuyển trường!

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trừ những trường hợp đặc biệt, việc chuyển trường của học sinh chỉ được giải quyết tập trung vào 2 đợt: cuối học kỳ 1 và đầu năm học mới. Tuy nhiên, Hè mới là mùa cao điểm của việc chuyển trường.

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), trừ những trường hợp đặc biệt, việc chuyển trường của học sinh (HS) chỉ được giải quyết tập trung vào 2 đợt: cuối học kỳ 1 và đầu năm học mới. Tuy nhiên, Hè mới là mùa cao điểm của việc chuyển trường. Nhiều người cứ nghĩ đây là việc bình thường, là quyền lợi học tập của HS, nhưng thực tế việc xin chuyển trường không hề đơn giản như thế!

Một vị phụ huynh HS người dân tộc thiểu số quê ở tận Hà Giang di dân vào huyện Khánh Sơn từ nhiều năm trước, nay vì hoàn cảnh gia đình nên phải đưa con về quê học. Khi đến Sở GD-ĐT làm thủ tục chuyển trường, được bộ phận “một cửa” hướng dẫn phải đến một trường trung học phổ thông (THPT) ở Hà Giang để xin ý kiến tiếp nhận trước khi Khánh Hòa ký giấy chuyển đi cho đúng trình tự quy định của Bộ GD-ĐT, vị phụ huynh này chỉ nói tới nói lui một câu: “Thầy cứ ký đi, ra đó cho thì học, không thì thôi!”. Không biết em HS ấy có được học tiếp, nhưng quả thật hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế thì biết lấy đâu ra tiền để đi lại mấy vòng Khánh Hòa - Hà Giang chỉ vì một chữ ký của hiệu trưởng vào lá đơn xin chuyển trường. Đó là chưa nói đến trường hợp không may gặp phải các vị hiệu trưởng khó tính, nhiều bậc phụ huynh sẽ lao đao với quy định này vì nơi đến bảo “đã có ý kiến đồng ý cho đi đâu mà tiếp nhận”, còn nơi đi lại nói “biết có tiếp nhận không mà chuyển đi”!

Nỗi khổ chuyện chuyển trường không ai giống ai. Có em HS ở tận một tỉnh miền Tây Nam bộ xin chuyển ra quê ngoại Nha Trang học ở một trường ngoài công lập vốn không thuộc hạng “đắt hàng” nhưng bị vấp ngay khi nộp hồ sơ ở Sở GD-ĐT do thiếu giấy trúng tuyển vào lớp 10. Giải thích thế nào đi nữa, phụ huynh của em HS ấy vẫn không “thông” vì thực tế là em bị hỏng lớp 10, ở trong đấy em đi học trường tư thì biết lấy đâu ra giấy trúng tuyển, nhưng theo quy định thì trường công, trường tư đều phải có giấy chứng nhận do Sở GD-ĐT cấp mới được coi là hợp lệ khi làm thủ tục chuyển trường gồm 9 mục giấy tờ bắt buộc. Ngay cả khi chính thức áp dụng tiêu chuẩn ISO đối với lĩnh vực này, các chuyên gia tư vấn cũng thấy quá nhiêu khê, phức tạp nhưng chỉ dám đề xuất rút ngắn thời gian, còn thủ tục rườm rà này vẫn phải giữ nguyên vì đó là quy định chung của cả nước.

Lại có vị phụ huynh phải mất 2 vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Nha Trang chỉ để xin đóng dấu của Sở GD-ĐT lên trang bìa học bạ cho kịp ngày nhập học. Không biết quy định ấy có từ thời nào và nay còn hiệu lực nữa không nhưng đúng là không mấy địa phương thực hiện vì mỗi tỉnh đều có hàng chục vạn HS, mỗi trường cũng vài ngàn em, không lẽ vài ba năm lại phải thuê xe chở học bạ HS lên Sở đóng dấu. Vả lại, học bạ chỉ là cuốn sổ ghi chép quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của HS ở từng cấp học, người có thẩm quyền cao nhất trong việc chứng nhận là hiệu trưởng nhà trường, đâu phải là Giám đốc Sở. Nhưng nếu không may gặp nơi trưng ra quy định này, dù có lỗi thời đi nữa, các bậc phụ huynh cũng… đành chịu. Đó là chưa nói đến các thiếu sót quên đóng dấu giáp lai đầy đủ các trang và nội dung sửa chữa trong học bạ thì dù lỗi của ai đi nữa, phụ huynh cũng phải quay lại trường cũ để tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục chuyển trường cho dù quãng đường đi - về có khi mất cả tuần do giao thông cách trở.

Có những nỗi khổ do chính các cán bộ quản lý giáo dục gây ra cho phụ huynh HS vì không giải thích, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Mới đây, có một chị chuyển chỗ ở cho cả gia đình từ Tây Nguyên về Khánh Hòa, đến Sở GD-ĐT làm thủ tục xin cho con vào học một trường THPT ở huyện Cam Lâm. Khi cán bộ “một cửa” kiểm tra hồ sơ mới biết thiếu giấy giới thiệu của Sở GD-ĐT chuyển đi. Chị cứ băn khoăn mãi bởi chị đã hỏi kỹ thầy hiệu trưởng và được trả lời là hồ sơ đã đầy đủ, “xuống sở” là xong; chị cứ tưởng Sở GD-ĐT Khánh Hòa chứ đâu biết là Sở GD-ĐT nơi ở cũ. Cuối cùng, 2 mẹ con cũng phải vội ra bến xe ngược lên miền núi làm cho xong thủ tục mới yên lòng.

Nhiều người vẫn nghĩ chuyện chuyển trường ở tỉnh, huyện đơn giản hơn nhiều nhưng thực ra không phải nơi nào cũng thế. Khi nhắc đến việc chuyển trường khó khăn, phức tạp, một Trưởng phòng của Sở GD-ĐT thường kể lại trường hợp oái ăm của chính mình: Anh đã ký cho bao nhiêu HS cấp THPT được chuyển trường nhưng khi đi xin chuyển trường cho đứa cháu đang học tiểu học giữa 2 phường liền kề nhau và đều là trường bình thường nhưng đã “gõ cửa” mấy nơi đều bị thoái thác! Không biết vì sao ngành GD-ĐT không cải cách hành chính thủ tục chuyển trường, giao cho hiệu trưởng được quyền chuyển đi và tiếp nhận HS vào học nếu có đủ học bạ, bằng cấp và có lý do chính đáng, bởi những việc quan trọng hơn nhiều như tuyển dụng giáo viên, lên lương, đề bạt, cho thôi việc… cũng đã thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng. Một khi việc chuyển trường vẫn phải đòi hỏi nhiều hồ sơ, giấy tờ rườm rà và qua nhiều khâu trung gian rắc rối như thế thì còn lâu mới trở thành một “chuyện bình thường” của ngành GD-ĐT.

ĐỖ QUYÊN