11:07, 11/07/2018

Triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

 


- Việc thực hiện chiến lược nhằm khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản…


- Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của chiến lược?


- Chiến lược gồm 4 mục tiêu. Theo đó, mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Cụ thể, 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đầu tư kinh phí triển khai thực hiện chiến lược; 70% người trưởng thành hiểu biết về các bệnh này làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, kinh tế - xã hội. Mục tiêu 2: Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh (giảm so với năm 2015) như: giảm 30% tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành; 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành; 30% mức tiêu thụ muối trung bình người/ngày… Mục tiêu 3: Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng như: khống chế tỷ lệ người thừa cân béo phì; tỷ lệ tăng huyết áp; tỷ lệ bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường… Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh. Cụ thể, 90% cơ sở y tế dự phòng các tuyến cung cấp dịch vụ thiết yếu phòng, chống bệnh không lây nhiễm; 90% cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm được đào tạo, tập huấn; 90% cơ sở y tế xã, phường có đủ trang thiết bị y tế cơ bản và thiết yếu…


- Để việc triển khai chiến lược đạt kết quả cao, ngành Y tế sẽ tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Ngành Y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thực thi các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở tập luyện thể dục, thể thao; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và huy động cộng đồng cùng tham gia chiến lược. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông và vận động xã hội; tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế; sắp xếp, bố trí nhân lực các tuyến, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong lĩnh vực liên quan đến kiểm soát yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động giám sát, dự phòng, phát hiện, chẩn đoán sớm điều trị kịp thời; nghiên cứu, theo dõi, giám sát bệnh, định kỳ 3 - 5 năm tổ chức điều tra về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm…


- Xin cảm ơn ông!


VÂN LY (Thực hiện)