10:06, 04/06/2018

Các chất gây hại khó phân hủy: Cần có biện pháp giảm thiểu

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã nghiệm thu và xếp loại đạt đề tài "Xác định các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy và các kim loại nặng trong máu của phụ nữ ở độ tuổi sinh sản tại một số địa phương của tỉnh Khánh Hòa". Đề tài đã cung cấp các số liệu giúp các cơ quan quản lý có biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã nghiệm thu và xếp loại đạt đề tài “Xác định các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy và các kim loại nặng trong máu của phụ nữ ở độ tuổi sinh sản tại một số địa phương của tỉnh Khánh Hòa”. Đề tài đã cung cấp các số liệu giúp các cơ quan quản lý có biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.


Thạc sĩ Hồ Văn Quốc -  Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và học đường, Viện Pasteur Nha Trang, chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay, con người ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng bất lợi của các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy (Persistent Organic Pollutant - POP) đối với sức khỏe con người.


Trong đó, các chất PCB (là nhóm hóa chất nhân tạo sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện, đã bị cấm sử dụng khá lâu nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều trong môi trường) và OCP (hóa chất bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ) có tính độc hại cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và có thể truyền qua nhau thai gây ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các kim loại như: chì, thủy ngân và thạch tín cũng rất độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường. Những nghiên cứu khoa học công bố gần đây cho thấy, các chất gây ô nhiễm trên đã và đang có mặt trong các mẫu nước, trầm tích, đất, thủy hải sản, rau quả và trong cơ thể động vật, người ở Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


Đề tài đã tiến hành nghiên cứu mẫu máu 240 phụ nữ có độ tuổi từ 16 đến 49 tuổi, sống ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh; đồng thời phỏng vấn họ về những kiến thức liên quan đến các chất nguy hại trên. Qua 2 năm thực hiện, kết quả đề tài xác định hầu hết mẫu máu nghiên cứu có nhiễm một số chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy, các kim loại độc hại thạch tín, thủy ngân, chì... Tuy nhiên, nồng độ các chất trên có trong máu nằm ở mức độ an toàn, trong ngưỡng sinh lý của người Việt Nam.


Điều đáng lo ngại là số người tham gia phỏng vấn trả lời đúng kiến thức các chất trên liên quan đến con đường phơi nhiễm, sự phân hủy, ảnh hưởng của các chất độc hại trên đến sức khỏe của phụ nữ và thai nhi... rất thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những thông tin về các biện pháp phòng ngừa bệnh tật phụ nữ tiếp nhận nhiều nhất qua ti vi và đài phát thanh (chiếm 74,6%), cán bộ phụ nữ (62,1%), cán bộ y tế xã, phường (45%), tranh cổ động (16,3%), tờ rơi (12,5%).


Để giảm thiểu phơi nhiễm các chất trên ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trong cộng đồng, nhóm nghiên cứu đề xuất các cấp, ngành liên quan cần hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thay thế và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa việc nhập lậu và sử dụng hóa chất nguy hại bị cấm; giám sát việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc phát tán, phát sinh các chất thải nguy hại vào môi trường; thống kê các máy biến thế có chứa PCB; xác định nồng độ PCB, POP, các kim loại nguy hại trong môi trường, nước uống, thực phẩm... Ngoài ra, cần sớm biên soạn tài liệu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tác hại và giải pháp phòng ngừa tiếp nhiễm của các chất trên đối với sức khỏe con người và môi trường; bố trí các vị trí thích hợp để lưu giữ tạm thời các hóa chất, kim loại độc hại trên do người dân phát hiện hoặc thải bỏ và có phương án xử lý...

 
Nhận định về kết quả đề tài mang lại, ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, từ số liệu của đề tài sẽ giúp các cơ quan quản lý có biện pháp can thiệp giảm thiểu tiếp nhiễm các chất gây hại trên nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nói riêng và cộng đồng nói chung.


C.Đan