11:04, 04/04/2018

Thêm giải pháp phòng bệnh cho gia súc

Đạt giải nhất trong hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin giải độc tố Clostridium perfringens phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu được đánh giá là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho động vật.
 

Đạt giải nhất trong hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin giải độc tố Clostridium perfringens phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu được đánh giá là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho động vật.
 
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung, chủ nhiệm đề tài cho biết, chăn nuôi bò, dê, cừu đang phát triển về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê sơ bộ (năm 2015) của Tổng cục Thống kê, tổng đàn trâu, bò cả nước đạt 7,8 triệu con, tổng đàn dê, cừu đạt 1,8 triệu con. Hiệu quả kinh tế của chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu mạng lại không nhỏ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo cho người nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo báo cáo của chi cục thú y các tỉnh, bệnh viêm ruột hoại tử do vi khuẩn Clostridium perfringens gây ra khá phổ biến ở bò, dê, cừu. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có nhiều nơi xảy ra dịch, như: huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, các trang trại chăn nuôi dê, cừu ở tỉnh Ninh Thuận, trại dê cừu Măng Đen tỉnh Kon Tum… làm ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Do vi khuẩn tiết ra độc tố gây độc cơ thể nên gia súc thường sốt cao, sau cùng có biểu hiện thần kinh co giật và chết nhanh. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 
 
“Để phòng bệnh thì tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, cho đến nay ở nước ta chưa có vắc xin phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu. Nhằm góp phần hạn chế những thiệt hại do bệnh gây ra đối với người chăn nuôi ở các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, chúng tôi đã nghiên cứu, chế tạo vắc xin giải độc tố Clostridium perfringens phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu”, Tiến sĩ Tân nói. 
 
Trong 2 năm (2016, 2017), các nhà khoa học đã tiến hành chọn lựa các chủng Clostridium perfringens đạt tiêu chuẩn giống để nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Chủng sau khi được chọn, được nuôi cấy, xử lý độc tố theo quy trình hiện đại để chế tạo vắc xin. Sau khi được kiểm nghiệm và đánh giá an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu, vắc xin được thử nghiệm trên dê với liều 2ml/con. Kết quả cho thấy, sau khi thử thách độc tố từ 1 đến 3 giờ, ở nhóm dê có tiêm vắc xin tất cả đều khỏe mạnh; đối với nhóm dê đối chứng không được tiêm vắc xin có triệu chứng run rẩy, đi vòng tròn, húc đầu vào tường, sau đó co giật toàn thân và chết sau 3 - 8 giờ. Ông Trương Khắc Trí - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Vắc xin của đề tài đã được sử dụng tiêm thử nghiệm cho 14.000 con gia súc (gồm 1.500 bò con, 5.200 dê con và 7.300 cừu con) ở tỉnh Ninh Thuận. Sau 1 năm theo dõi (tháng 6-2016 đến 5-2017), chưa thấy bệnh viêm ruột hoại tử trên đàn bò, dê, cừu được tiêm vắc xin. Trong khi đó, những đàn bò, dê, cừu chưa được tiêm vắc xin thì bệnh viêm ruột hoại tử vẫn xuất hiện rải rác”.
 
Tiến sĩ Tân cho biết: “Vắc xin này được sử dụng để phòng bệnh cho dê, cừu từ 1 tháng tuổi và bê từ 3 tháng tuổi trở lên. Hiện nay, quy trình sản xuất vắc xin đã được chuyển giao cho nhà máy GMP - WHO, Phân viện Thú y miền Trung để sản xuất, phục vụ nhu cầu người chăn nuôi. Đến nay, đã sản xuất và tiêm thử nghiệm hơn 60.000 liều”.

 
Được biết, các chủng vi khuẩn Clostridium perfringens đề tài sử dụng để sản xuất vắc xin có độ tương đồng kháng nguyên với các chủng gây bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu trên toàn quốc. Vì vậy, sử dụng vắc xin này để tiêm phòng sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bệnh viêm ruột hoại tử gây ra. Do sản xuất trong nước nên giá thành của vắc xin sẽ thấp hơn nhập ngoại, chất lượng sản phẩm đạt hiệu quả phòng bệnh cao.
 
T.LY