11:03, 12/03/2018

Thành tựu về tái tạo dây chằng quạ đòn

Ở Khánh Hòa hiện nay, phương pháp tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân cho những bệnh nhân tổn thương chi trên chỉ mới được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh. Qua gần 10 năm triển khai phương pháp này, bệnh viện đã thực hiện hàng chục ca với tỷ lệ thành công đạt hơn 95%.

Ở Khánh Hòa hiện nay, phương pháp tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân cho những bệnh nhân tổn thương chi trên chỉ mới được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Cam Ranh. Qua gần 10 năm triển khai phương pháp này, BV đã thực hiện hàng chục ca với tỷ lệ thành công đạt hơn 95%.


Giữa năm 2015, anh Nguyễn Văn T. (33 tuổi, trú phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) nhập BVĐKKV Cam Ranh trong tình trạng đau nhức vai phải, không cử động được do bị tai nạn giao thông. Qua thăm khám, các bác sĩ của BV xác định, bệnh nhân T. bị gãy đầu ngoài xương đòn và đứt dây chằng quạ đòn vai phải. Bệnh nhân T. được chỉ định phẫu thuật nối xương và tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân. Qua 4 tháng tuân thủ theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ, vai phải của bệnh nhân T. hoạt động lại bình thường như trước.

 

Các bác sĩ thực hiện một ca tái tạo dây chằng quạ đòn.

Các bác sĩ thực hiện một ca tái tạo dây chằng quạ đòn.


Bệnh nhân Trần Hoàng L. (40 tuổi, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vai trái, cử động khó khăn. Theo lời của bệnh nhân L., 6 tháng trước, bệnh nhân bị té ngã khi đang làm vườn, cứ nghĩ bị trật khớp bình thường nên đến thầy lang để nắn và bó thuốc. Sau thời gian điều trị, thấy tình trạng đau nhức vẫn kéo dài và nặng thêm, bệnh nhân mới nhập viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân L. bị trật khớp cùng đòn và đứt hoàn toàn dây chằng quạ đòn vai trái nên chỉ định điều trị bằng phương pháp trên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân L. được hướng dẫn tập vật lý trị liệu theo từng giai đoạn. Qua 4 tháng điều trị, tay phải của bệnh nhân hoạt động trở lại bình thường.


Bác sĩ Phạm Văn Toàn - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, BVĐKKV Cam Ranh cho biết, trật khớp cùng đòn là một bệnh lý do chấn thương gây ra, chiếm phần nhiều do tai nạn giao thông, chơi thể thao..., nếu không được điều trị đúng sẽ để lại các di chứng như: đau khớp cùng đòn, hạn chế vận động khớp vai, dễ bị trật lại, mất thẩm mỹ. Ở bệnh lý này, đối với những bệnh nhân bị trật khớp nhẹ (độ I, II) thường được điều trị bảo tồn (bó thuốc, bó bột, băng dính cố định, mang đai xương đòn, đai Desault); những trường hợp trật khớp nặng (độ 3) phải tiến hành phẫu thuật mới điều trị triệt để. Tại BVĐKKV Cam Ranh, trước kia, đối với những bệnh lý này thường được áp dụng phương pháp mổ cố định khớp cùng đòn không tái tạo dây chằng. Kết quả sau mổ đạt không cao, đa số bệnh nhân bị trật lại nếu có những vận động mạnh. Nguyên nhân là do dây chằng quạ đòn (có chức năng giữ xương đòn ở vị trí khỏi trật) bị đứt chưa được phục hồi. Đây là nhược điểm lớn của phương pháp này.


“Năm 2008, sau khi nắm được thông tin Bệnh viện Đại học Y Dược (TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai điều trị thành công bệnh lý trật khớp cùng đòn bằng phương pháp nắn mổ có tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân cơ gan tay dài hoặc gân cơ mác dài (ở mắt cá chân) với kết quả 95,8% bệnh nhân sau phẫu thuật không bị trật khớp lại, BV đã cử người vào TP. Hồ Chí Minh để  học. Từ tháng 10-2010, BV áp dụng phương pháp trên điều trị cho 50 bệnh nhân mới đứt hoặc đứt lâu dây chằng quạ đòn. Kết quả, hơn 95% bệnh nhân không bị trật lại khớp sau mổ”, bác sĩ Toàn khẳng định.


Được biết, trong 50 ca, chỉ có 2 ca bị tuột đinh phải làm lại. Nguyên nhân là do người bệnh thực hiện không đúng hướng dẫn của bác sĩ, cử động nặng quá sớm sau mổ. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật lại, 2 bệnh nhân này đã phục hồi tốt các chức năng vận động ở vai.


THẢO LY