10:01, 22/01/2018

Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Ngày 12-12-2017, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành chương trình hành động số 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ngày 12-12-2017, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành chương trình hành động số 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 

Chương trình hành động số 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra mục tiêu là nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt, được tư vấn hướng dẫn ăn sạch, dinh dưỡng hợp lý, ở sạch, thực hiện được chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng, chống bệnh không lây nhiễm như: bệnh tăng huyết áp, tim mạch.


Chương trình hành động nêu rõ giải pháp quan trọng để thực hiện đó là các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Truyền thông ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Nha Trang.

Truyền thông ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Nha Trang.

 

Bên cạnh việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác trên, các cấp đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình, phát huy tốt vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể được phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu và giải pháp, trước hết là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng bệnh và chữa bệnh.


Đối với thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm phải dựa trên các bằng chứng đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khỏe trên bao bì. Đồng thời, triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em và người cao tuổi.


Trong các nhà trường, đổi mới công tác giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể, tăng cường công tác y tế học đường.


Đi cùng với đó là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Cụ thể là phát triển tốt y học gia đình, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; quản lý điều trị tốt các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh ung thư, rối loạn tâm thần, trầm cảm… Hệ thống y tế xã, phường, thị trấn hiện thực hiện tốt vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe; triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ thanh toán bảo hiểm y tế; thiết lập được hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân, thực hiện cập nhật thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám, chữa bệnh, từng bước tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được chú trọng, đặc biệt khu vực miền núi, vùng khó khăn, hải đảo. Các địa phương quan tâm xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh và các đối tượng ưu tiên.


Mục tiêu của chương trình hành động là trong những năm tiếp theo xây dựng được hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm và dịch vụ y tế.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa)