10:01, 19/01/2018

Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương chỉnh hình

Những năm gần đây, nhờ chương trình chuyển giao kỹ thuật, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, phẫu thuật thành công nhiều ca khó.

Những năm gần đây, nhờ chương trình chuyển giao kỹ thuật, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, phẫu thuật thành công nhiều ca khó.


Cuối tháng 12-2017, Khoa Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận Bệnh nhân Cao Tinh (6 tuổi, dân tộc Raglai,  xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) bị mắc bệnh xương thủy tinh. Vì té ngã, cháu bị gãy xương đùi trái nặng phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ của khoa đã phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cho bé. Trước đó, bé cũng bị gãy xương nhiều lần, các bác sĩ của 2 đơn vị đã phẫu thuật theo phương pháp Sofeild (cắt xương thành từng đoạn nhỏ và ghép từng mảnh xương). Đây là một kỹ thuật khó được BVĐK tỉnh áp dụng thời gian gần đây, đem lại hiệu quả tích cực cho người bệnh.

 

Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng  đang tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên.

Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng đang tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên.

 
Trong tháng 12, khoa đã cứu sống và ghép da thành công cho bệnh nhân T’ro Đảm (61 tuổi, người dân tộc Raglai, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) bị bỏng nửa người rất nặng (mức độ 5). Ông T’ro Đảm mắc chứng động kinh, khi lên cơn đã bất ngờ ngã vào đống lửa đang cháy to trong bếp, làm ông bị bỏng nặng nửa người bên trái. Ê-kíp bác sĩ và điều dưỡng của khoa đã tiến hành phẫu thuật 4 lần, đồng thời thực hiện nhiều thủ thuật cắt, ghép da và cắt bỏ cánh tay trái của bệnh nhân do bị nhiễm trùng nặng. Sau thời gian điều trị tích cực, các vị trí được ghép da ổn định, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục, được chuyển về Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn để tiếp tục chăm sóc.


Cùng với việc triển khai thành công 2 kỹ thuật trên, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng còn điều trị và phẫu thuật thành công nhiều kỹ thuật khó như: chỉnh hình nhi, khuyết tật bẩm sinh, chấn thương phần mềm, vi phẫu bàn tay, nội soi khớp những trường hợp khó, tổn thương nhiều dây chằng, triển khai nội soi ít xâm nhập trong phẫu thuật thường quy, che phủ khuyết phần mềm, trồng lại chi đứt lìa, phẫu thuật khớp gối khó ở tổn thương lâu ngày, người lớn tuổi,... Ngoài ra, khoa đã áp dụng thành công phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị bảo tồn dây chằng chéo khớp gối qua nội soi; điều trị nhiễm trùng vết thương, vết thương hở bằng áp lực hút chân không sóng plasma..


Bác sĩ Phan Hữu Chính - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Cách đây 10 năm, hàng năm bệnh viện thực hiện khoảng vài chục ca thay khớp gối, khớp háng thì hiện tại con số đã tăng gấp 5 lần. Trước đây, những trường hợp thay khớp háng, khớp gối khó hoặc người bệnh lớn tuổi, chúng tôi phải chuyển tuyến thì hiện nay khoa đã phẫu thuật thành công, đặc biệt đã phẫu thuật cho 3 bệnh nhân hơn 100 tuổi. Hiện nay, tỷ lệ chuyển tuyến ở khoa giảm tới 70%. Nhờ đó, giảm được gánh nặng chi phí chuyển tuyến cho bệnh nhân khi được điều trị các kỹ thuật tiên tiến của tuyến trên ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh”.


Trong năm 2017, khoa đã thực hiện hơn 13.500 lượt khám các bệnh về cơ xương khớp và hơn 4.000 lượt phẫu thuật. Khoa còn phối hợp với các bệnh viện tuyến trên thực hiện gần 1.000 lượt phẫu thuật về chỉnh hình chi người lớn, trẻ em, nội soi tái tạo dây chằng khớp vai, vi phẫu bàn tay, vi phẫu tạo hình…


Có được kết quả trên là do những năm gần đây bệnh viện đã mời được nhiều bác sĩ giỏi trong nước và nước ngoài về làm việc và chuyển giao kỹ thuật. Chương trình chuyển giao được thực hiện đều đặn hàng tháng và vào những đợt cao điểm; bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị cho điều trị chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình...


Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn - Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa 2 đơn vị được triển khai khoảng 10 năm. Những năm đầu, chúng tôi tập trung chuyển giao về chỉnh hình, vi phẫu, gần đây chuyển giao thêm về thay khớp, nội soi, chỉnh hình nhi, dị tật bẩm sinh... Sau khi chuyển giao, đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh đã tiếp nhận và triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao và hoàn chỉnh một số kỹ thuật khó trong điều trị nhi, chấn thương trong thể dục thể thao... theo hướng tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành cái nôi điều trị về chấn thương chỉnh hình của khu vực”.


T.Ly