10:01, 15/01/2018

Hướng tới dự báo số người mắc đái tháo đường

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường và đái tháo đường không được chẩn đoán và các yếu tố liên quan ở người từ 45 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh" do Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cùng các cộng sự thực hiện.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Khảo sát tỷ lệ tiền đái tháo đường và đái tháo đường không được chẩn đoán và các yếu tố liên quan ở người từ 45 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh” do Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cùng các cộng sự thực hiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần dự báo nguy cơ số người mắc đái tháo đường trong thời gian tới, qua đó giúp các nhà quản lý có kế hoạch khống chế sự gia tăng trong cộng đồng.


Bệnh đái tháo đường đang gia tăng


Theo Tiến sĩ Quang Mai, bệnh đái tháo đường typ 2 đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm với sự gia tăng về tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Ước tính toàn cầu về tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới năm 2013 cho thấy, số người mắc đái tháo đường trên toàn thế giới là 385 triệu người (chiếm 8,3% dân số thế giới). Dự đoán đến năm 2035, số người mắc sẽ tăng lên 592 triệu người (chiếm 10,1%). Khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh tiến triển thành đái tháo đường týp 2. Số người mắc tiền đái tháo đường không được chẩn đoán tăng khoảng 50%, từ 314 triệu người năm 2013 sẽ tăng lên 471 triệu người vào năm 2035.

 

Khám và tầm soát bệnh đái tháo đường tại huyện Diên Khánh.

Khám và tầm soát bệnh đái tháo đường tại huyện Diên Khánh.


Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm (2002 - 2012), tỷ lệ đái tháo đường ở đối tượng 30 - 64 tuổi đã tăng gấp đôi, từ 2,7% lên 5,4%, tiền đái tháo đường từ 7,3% lên 13,7%. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển đái tháo đường nhanh nhất toàn cầu. Do đó, vấn đề tầm soát tiền đái tháo đường, dự báo nguy cơ đái tháo đường là một việc hết sức cần thiết và cấp bách.


Đề tài làm cơ sở để có những dự báo


Tiến sĩ Viên Quang Mai chia sẻ: “Hiện nay, ở Khánh Hòa vẫn chưa có số liệu cụ thể cũng như chưa có những cuộc điều tra cộng đồng trên diện rộng xác định được tỷ lệ tiền đái tháo đường, đái tháo đường týp 2 không được chẩn đoán. Việc dự báo được nguy cơ tiến triển đái tháo đường 10 năm tới trong cộng đồng là cần thiết để xây dựng các chiến lược can thiệp nhằm hạn chế sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Do vậy, mục tiêu nghiên cứu hướng đến việc xác định tỷ lệ tiền đái tháo đường và đái tháo đường không được chẩn đoán bằng các xét nghiệm chẩn thức ở người từ 45 tuổi trở lên; xác định một số yếu tố liên quan đến tiền đái tháo đường và đái tháo đường; dự báo nguy cơ đái tháo đường týp 2 trong 10 năm tới”.


 Nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn ngẫu nhiên 930 người từ 45 tuổi trở lên ở 60 thôn, tổ dân phố thuộc 30 xã, phường trên địa bàn tỉnh để thực hiện nghiên cứu. Nhóm đã tổ chức khám sàng lọc, khai thác tiền sử bệnh, phỏng vấn, đo các chỉ số nhân trắc học, lấy máu xét nghiệm (xét nghiệm HBA1c và xét nghiệm Glucose máu lúc đói) và thực hiện xét nghiệm các chỉ số sinh hóa đối với những người có dấu hiệu tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người mắc tiền đái tháo đường chiếm 50,6%, đái tháo đường chiếm 7,7%. Các yếu tố liên quan đến mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường bị béo phì dạng nam, thói quen ăn đêm sau 21 giờ, ít hoạt động thể lực, có rối loạn lipid máu, tiền sử có tăng huyết áp, tăng huyết áp, ly thân, góa bụa, mức mỡ nội tạng cao, tỷ số vòng eo/vòng hông cao... Dựa theo thang điểm FINDRIS (công cụ không xâm lấn để đánh giá tình hình đái tháo đường ở người bình thường và người bị đái tháo đường trong cộng đồng khi không có điều kiện xét nghiệm chẩn thức), đề tài dự báo trong 10 năm tới tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người từ 45 tuổi trở lên trong cộng đồng của tỉnh chiếm 11,22%.


Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đề tài đưa ra một số kiến nghị, để hạn chế sự tiến triển thành tiền đái tháo đường cần triển khai sớm các hoạt động can thiệp như: khám, giám sát những người có người thân trong gia đình đã bị đái tháo đường, những người có yếu tố nguy cơ nêu trên để phát hiện sớm bệnh; tác động vào một số yếu tố có thể thay đổi được để hạn chế sự tiến triển tiền đái tháo đường thành đái tháo đường týp 2; xây dựng thí điểm phòng khám, tư vấn về tiền đái tháo đường và đái tháo đường tại 1 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực cho mỗi huyện trên địa bàn tỉnh; xây dựng 2 mô hình điểm về hoạt động can thiệp, nếu thành công tiếp tục nhân rộng; sử dụng thang điểm FINDRISC để đánh giá tình hình đái tháo đường ở người bình thường và người bị tiền đái tháo đường trong cộng đồng khi không có điều kiện xét nghiệm.


Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định: “Đề tài đã thu được một khối lượng kết quả lớn, đầy đủ và toàn diện theo kế hoạch đã đặt ra. Đây là báo cáo đầu tiên tại tỉnh sử dụng thang điểm FINDRISC để dự báo tỷ lệ đái tháo đường cho cộng đồng. Đề tài phong phú, đa dạng thông tin và có tính ứng dụng cao. Kết quả đề tài xác định được các yếu tố nguy cơ làm cơ sở để các cơ quan chức năng có kế hoạch chủ động và phù hợp để kiểm soát bệnh đái tháo đường trong 10 năm tới”.


T.Ly