11:01, 22/01/2018

Giảm tai biến sản khoa

3 năm gần đây, tai biến sản khoa ở Khánh Hòa có chiều hướng giảm. Tỷ lệ tai biến sản khoa ở tỉnh là 3,84‰, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (5,7‰). Có được kết quả trên là nhờ ngành Y tế tỉnh áp dụng nhiều giải pháp.

3 năm gần đây, tai biến sản khoa ở Khánh Hòa có chiều hướng giảm. Tỷ lệ tai biến sản khoa ở tỉnh là 3,84‰, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (5,7‰). Có được kết quả trên là nhờ ngành Y tế tỉnh áp dụng nhiều giải pháp.


Giữa tháng 12-2017, sản phụ N.T.T (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) nhập viện để sinh. Sau sinh, sản phụ bị băng huyết nặng, đờ tử cung. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cam Lâm vừa tiến hành cấp cứu vừa liên hệ với BVĐK tỉnh để hỗ trợ. Sau gần 2 giờ phối hợp phẫu thuật, đội ngũ y, bác sĩ của 2 bệnh viện cứu sống sản phụ.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một ca mổ đẻ.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một ca mổ đẻ.


Trước đó, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận sản phụ H.T.L (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) bị nhiễm trùng sau mổ lấy thai từ tuyến dưới chuyển lên. Ê-kíp bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành cấp cứu, lọc máu, súc rửa ổ bụng, cắt bỏ tử cung cứu sống sản phụ.


Đây chỉ là 2 trong hàng chục trường hợp bị tai biến sản khoa nặng đã được đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện phối hợp cứu sống kịp thời.


Bác sĩ Phạm Hoàng Phong - Trưởng khoa Sản, BVĐK tỉnh cho biết, tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sẩy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh). Thời gian qua, để hạn chế tai biến sản khoa, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động dự phòng và điều trị như: tăng cường quản lý thai nghén tại cộng đồng, theo dõi chặt chẽ thai nghén có nguy cơ trong thai kỳ, chăm sóc tốt sản phụ trong 2 giờ đầu sau sinh tại phòng sinh, sử dụng túi đo lượng máu mất sau sinh, thường xuyên kiểm tra giám sát phương án dự phòng tai biến sản khoa... Cùng với đó, giữa các tuyến luôn có sự phối hợp tốt trong công tác điều trị. Cụ thể, thành lập đường dây nóng, tổ chức giao ban hàng năm để rút kinh nghiệm và cách xử lý khi gặp các tai biến sản khoa, tuyến trên chuyển giao nhiều kỹ thuật cho tuyến dưới. Ngoài ra, tại BVĐK tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị tai biến sản khoa như: đặt bóng chèn, khâu ép tử cung, sử dụng nhiều loại thuốc thế hệ mới, gây tê ngoài màng cứng...


Nhờ đó, số ca tử vong mẹ liên quan đến tai biến sản khoa so với 2 năm trước giảm từ 3 ca (năm 2015, 2016) xuống còn 2 ca (năm 2017).


Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt hạn chế tai biến sản khoa hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác quản lý thai, khám thai, theo dõi chuyển dạ, chăm sóc sau sinh tại tuyến cơ sở còn thiếu; quy trình xử lý hồi sức cấp cứu sản khoa, kiến thức, kỹ năng tuyến dưới còn yếu (2/6 bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai, chăm sóc sản khoa toàn diện)....


Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa cũng như giám sát để đảm bảo cán bộ y tế tuân thủ đúng quy trình chuyên môn; củng cố và kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tuyến tỉnh đến xã, phường; xây dựng bản đồ xã trọng điểm về làm mẹ an toàn, giảm tai biến sản khoa, trong đó ưu tiên chọn những xã miền núi và xã có nhiều tai biến sản khoa, tử vong mẹ; truyền thông thay đổi hành vi và thông tin giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng đỡ đẻ cho đội ngũ y, bác sĩ, nữ hộ sinh và cô đỡ thôn bản; xây dựng và sử dụng biểu mẫu giám sát 5 tai biến sản khoa thống nhất trong toàn tỉnh. Ngoài ra, toàn ngành sẽ đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông về làm mẹ an toàn, nâng cao nhận thức người dân về việc quản lý thai, thực hiện khám thai ít nhất 3 lần trong quá trình mang thai, nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm của người mẹ trước trong và sau sinh; chỉ đạo tuyến trên tiếp tục tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới; vận động các sản phụ đồng bào dân tộc thiểu số về trạm y tế để khám thai và đẻ tại các cơ sở y tế...


T.Ly