12:12, 01/12/2017

Xét nghiệm HIV sớm là bảo vệ chính mình

Ngày 1-12 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là ngày Thế giới phòng, chống AIDS, Bộ Y tế cũng chọn tháng 12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Chủ đề năm nay là "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020". Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết:

Ngày 1-12 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là ngày Thế giới phòng, chống AIDS, Bộ Y tế cũng chọn tháng 12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Chủ đề năm nay là “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết:


- Năm 2017, Việt Nam chọn chủ đề này bởi chỉ có xét nghiệm HIV sớm mới biết tình trạng nhiễm HIV. Từ đó, người nhiễm sẽ được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) kịp thời vừa giúp giảm chi phí thuốc men, khám chữa bệnh, vừa sống được khỏe mạnh, lâu dài, học tập lao động như mọi người. Các nghiên cứu khoa học gần đây khẳng định, điều trị thuốc ARV sớm có tác dụng ức chế sự sinh sôi của HIV, giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người nhiễm sang người khác qua quan hệ tình dục tới 96%.

 


Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm HIV đã được triển khai rộng khắp cả nước với hơn 1.000 cơ sở y tế thực hiện. Ngoài ra, tại cộng đồng còn có lực lượng cán bộ y tế hoặc các nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện lưu động xét nghiệm sàng lọc HIV. Riêng tại Khánh Hòa, hầu hết các cơ sở y tế ở các địa phương đều đã triển khai dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV.


- Được biết, hiện nay trong cả nước nói chung và ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng số người nhiễm HIV chưa xét nghiệm để biết được tình trạng nhiễm của mình vẫn còn cao. Theo ông hệ lụy của thực trạng này là gì?


- Theo ước tính, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 50.000/250.000 người nhiễm HIV hiện còn sống chưa biết được tình trạng nhiễm của mình. Họ có thể vô tình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị ARV sớm. Tại Khánh Hòa đến thời điểm này có 918 trường hợp nhiễm HIV còn sống và được quản lý, riêng năm 2017, toàn tỉnh phát hiện có 95 người nhiễm HIV mới.


Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia năm 2014, Liên hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được lượng vi rút ở mức thấp. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.


Vì thế, xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90.


- Những năm qua, ngành Y tế của tỉnh đã có những hoạt động gì để hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 thưa ông?


- Các hoạt động đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua là dự phòng, can thiệp giảm tác hại thông qua hoạt động truyền thông, phân phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí, triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.


9 tháng năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.300 người nghiện chích ma túy nhận được bơm kim tiêm sạch, hơn 1.120 phụ nữ bán dâm và gần 950 nam đồng tính có quan hệ tình dục nhận được bao cao su miễn phí. Toàn tỉnh đã triển khai điều trị bằng Methadone cho 895 người; hơn 17.460 lượt người được tư vấn, xét nghiệm HIV, có 7 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm và nghi nhiễm HIV được làm chẩn đoán sớm nhiễm HIV. Ngoài ra, có gần 10.000 lượt phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV, phát hiện 3 trường hợp dương tính với HIV...


Hiện nay, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV là 701 (chiếm 76%), trong đó có 30 trẻ em.


- Theo ông, hiện nay thách thức, rào cản trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là gì?


- Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể; mạng lưới phòng, chống dịch được củng cố, duy trì từ tỉnh đến xã, phường. Nhờ đó, đã triển khai đồng bộ các dịch vụ, duy trì kết nối, phối hợp, chuyển tuyến tốt giữa các đơn vị, các tuyến; hạn chế tình trạng mất dấu, bỏ điều trị, giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng các dịch vụ...


Bên cạnh những thuận lợi trên, vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Trước hết, nguồn kinh phí tài trợ từ quốc tế bị cắt giảm hơn 90%, kinh phí Trung ương chưa được cấp, chỉ còn lại nguồn kinh phí hạn hẹp của địa phương; sự kỳ thị và tự kỳ thị vẫn còn khiến nhiều người nhiễm chưa tiếp cận được các dịch vụ điều trị, hoặc bỏ trị; lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, nhất là trong nhóm đồng tính nam có quan hệ tình dục; bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế còn thấp; công tác kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả tại một số đơn vị hiện nay chưa hoàn thành...  


- Xin cảm ơn ông!


Thảo Ly (Thực hiện)