10:12, 07/12/2017

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá: Còn nhiều thách thức

Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu ca tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu ca tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội.


Kết quả điều tra, nghiên cứu của một nhóm tác giả thuộc Đại học Y tế Công cộng, Hội Y tế Công cộng Việt Nam tại 6 tỉnh (Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp và Bạc Liêu) cho thấy, hiện nay, các cửa hàng và công ty sản xuất thuốc lá có khá nhiều cách để lách các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Nếu năm 2014, tỷ lệ các điểm bán thuốc lá vi phạm quy định về trưng bày là 98,5%, thì đến năm 2015, con số này là 96,7%.

 

Các vi phạm cụ thể: vỏ tút thuốc lá phải có 50% diện tích là hình ảnh cảnh báo sức khỏe nhưng có một số công ty chỉ bao vỏ tút bằng giấy bóng kính. Theo quy định ở các cửa hàng, mỗi nhãn hiệu thuốc lá chỉ được trưng bày một bao, nhưng để lách luật, một số cửa hàng trưng bày nhiều bao thuốc giả được làm từ xốp, và thay vì để đứng thì chủ cửa hàng đặt bao thuốc nằm ngang. Vì thế, từ phía ngoài chỉ nhìn thấy nhãn hiệu thuốc, không nhìn thấy các hình ảnh cảnh báo sức khỏe. Ngoài ra, các dòng chữ “cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi” được một số công ty thuốc lá in sẵn trên các poster với kích thước nhỏ, ở vị trí khó nhìn và phát miễn phí cho điểm bán lẻ. Nếu xét về luật, họ vẫn đúng quy định là có ghi dòng chữ này ở nơi bán, nhưng rõ ràng không có giá trị thực tế. Để giảm tác động của hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao thuốc, một số công ty thuốc lá còn đặt phần tem đè lên, che bớt hình ảnh cảnh báo. Trong cách thức quảng cáo, khuyến mãi, một số hãng cũng có nhiều “chiêu trò” tặng kèm vỏ bao không có hình ảnh cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe; sản xuất các vỏ bao thuốc có thể phát sáng vào ban đêm...


Bên cạnh các vi phạm trong trưng bày sản phẩm, cách thức quảng cáo, khuyến mãi thì tình hình buôn lậu thuốc lá cũng ngày càng tinh vi. Đây cũng chính là một trong những thách thức vô cùng lớn, đi ngược lại với mục tiêu tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

Một hoạt động tuyên truyền tác hại của thuốc lá ở Nha Trang

Một hoạt động tuyên truyền tác hại của thuốc lá ở Nha Trang

 

Theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn diễn ra phức tạp trên cả nước. Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu hiện nay có thay đổi so với trước đây, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn như: cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong cabin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển, dùng xuồng máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển và thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường. Đặc biệt, đối tượng buôn lậu đã manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Riêng tại TP. Nha Trang, năm 2016, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra và phát hiện 57 vụ vi phạm về buôn bán thuốc lá lậu, tịch thu hơn 1.500 gói, xử phạt và thu nộp ngân sách hơn 137 triệu đồng.


Để công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả cao hơn nữa, nhiều bộ, ngành, địa phương cần phải chung tay và tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 30 ngày 30-9-2014 của Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá cần tiếp tục xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chuyên án lớn để đấu tranh, đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá tại địa bàn. Kiên quyết xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu qua biên giới, các tụ điểm, kho tàng, bến bãi tập kết, cất giấu, buôn bán trong nội địa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ công tác chống buôn lậu, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu thuốc lá nhập lậu. Song song đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các địa phương về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cấp bách, lâu dài, kiên trì thực hiện...


Nguyễn Dung