05:11, 20/11/2017

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Năm 2017, hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đẩy mạnh, nhờ đó tạo được nhiều chuyển biến tích cực.

 

Năm 2017, hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đẩy mạnh, nhờ đó tạo được nhiều chuyển biến tích cực.


Thạc sĩ Trần Ngọc Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế, thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh cho biết, tiếp nối những năm trước, năm 2017, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc và tăng cường việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở tỉnh. Để nâng cao nhận thức của người dân, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng. Cụ thể, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Khánh Hòa phát sóng 100 lần thông điệp về phòng, chống tác hại thuốc lá, 7 phóng sự và 30 bài viết về tác hại thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc; các hoạt động và quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; nêu gương cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác này...

 

Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá

Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá


Cùng với đó, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo về phòng, chống tác hại thuốc lá cấp tỉnh, ngành; Sở Y tế phối hợp với các đơn vị giáo dục, y tế, doanh nghiệp tổ chức 39 buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn... Kết quả có 8 bệnh viện được truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại thuốc lá với 1.200 người tham dự; truyền thông trực tiếp cho 6.300 học sinh của 21 trường học và 2.500 cán bộ, công nhân ở 10 cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Song song đó, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho 400 cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh, lãnh đạo ở các trường học, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị... Ngoài ra, toàn tỉnh lắp đặt 7 cụm pa-nô tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá tại 7 huyện, thị xã, thành phố, 30 pa-nô thực thi môi trường không khói thuốc, 2.000 bảng mica, 2.000 biển báo cấm hút thuốc và phân phát 20.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn tỉnh; tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá (31-5)...


Với các hoạt động đa dạng trên, đến nay, có 21 trường học đã thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 1 trường cao đẳng thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà; 10 nhà hàng thực hiện quy định cấm hút thuốc lá trong nhà hàng; 5 khách sạn có khu vực dành riêng cho người hút thuốc; 10 nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà...


Bên cạnh đó, ban chỉ đạo đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ban, nghành, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017. Trong đó, có yêu cầu triển khai tốt Tuần lễ quốc gia không khói thuốc và ngày Thế giới không khói thuốc ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai luật tại các cơ quan, đơn vị. Kết quả, 100% đơn vị tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các cán bộ; hầu hết các cơ quan, đơn vị đều treo bảng cấm hút thuốc lá theo quy định.     

       
Theo ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá ở tỉnh luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa các hoạt động; các thành viên của ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai các hoạt động tại địa phương cũng như từng lĩnh vực phụ trách. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, nội quy, quy định về cấm hút thuốc lá; nhận thức của người dân tại cộng đồng về tác hại thuốc lá cũng như những quy định cấm trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá dần được nâng cao.


Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ tham gia công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị đều kiêm nhiệm nhiều việc nên quỹ thời gian dành cho công tác này bị chi phối; đã có quy định chế tài xử phạt về vi phạm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập.


Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho ban chỉ đạo và UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, đoàn thể xây dựng các tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; tăng cường các biện pháp chế tài xử phạt theo luật; đề ra các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá phù hợp cho từng địa phương cũng như các sở, ngành, đoàn thể.


THẢO LY