11:10, 23/10/2017

Hiệu quả điều trị nghiện bằng Methadone

Qua hơn 3 năm triển khai, chương trình điều trị nghiện các chất gây nghiện bằng Methadone đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này gặp nhiều khó khăn.

Qua hơn 3 năm triển khai, chương trình điều trị nghiện các chất gây nghiện bằng Methadone đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này gặp nhiều khó khăn.


Hiệu quả tích cực


1 năm nay, sáng nào anh Nguyễn Tuấn T. (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cũng đều có mặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để uống thuốc Methadone nhằm cắt cơn nghiện ma túy. Gần 7 năm nghiện ma túy, từng vật vã cai nghiện nhiều lần, anh T. vẫn không thể thoát được ma lực của heroin. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị bằng Methadone, anh T. đã dần cắt được cơn nghiện. Anh T. thừa nhận: “Lần uống Methadone đầu tiên, hai ngày sau, tôi vẫn tìm mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện, những lần sau kiềm chế dần. Sau 2 tháng điều trị, tôi không còn cảm giác thèm ma túy, thấy khỏe hơn nhiều, không còn mệt mỏi như trước. Hiện nay, tôi đang chạy xe ôm kiếm tiền tự nuôi sống bản thân”, anh T. nói.

 

Anh Trần Xuân H. (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) sử dụng ma túy gần 5 năm cũng đã đi cai nghiện nhiều lần. Nhưng sau mỗi đợt cai, nghe lời rủ rê của bạn nghiện, anh lại quay về với “làn khói trắng”. Qua 4 tháng tham gia điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh, anh H. đã từ bỏ được ma túy, sức khỏe tốt hơn. Anh H. tâm sự: “Lúc đầu tham gia điều trị, tôi cũng không tin tưởng lắm. Tuần đầu uống Methadone, tôi vẫn còn dùng ma túy; nhưng qua tuần thứ 3, 4 thì cảm giác thèm ma túy đã giảm nhiều, đến nay đã hết hẳn”.


Triển khai từ năm 2014, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 3 cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đặt tại TP. Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 2 cơ sở cấp phát thuốc đặt tại huyện Diên Khánh, Vạn Ninh.


Để chương trình thành công, trước và sau khi triển khai, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hội nghị đồng thuận về chương trình điều trị Methadone với sự tham dự của đại diện UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, công an, trạm y tế, UBND xã, phường và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ cơ sở. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của chương trình điều trị Methadone trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp đến các thôn, tổ dân phố, người dân. Đồng thời, các trạm y tế, các nhóm tự nguyện cộng đồng đến gia đình và cá nhân người nghiện chất dạng thuốc phiện để vận động họ tự nguyện tham gia điều trị Methadone...


Kết quả đến nay, có 895 người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, trong đó, có 495 người đang được điều trị. Trong quá trình điều trị, chưa có bệnh nhân (BN) dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone hoặc bệnh nặng. Một số BN đang điều trị Methadone bị mắc kèm bệnh khác như: lao, rối loạn tâm thần, phẫu thuật, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt..., các cơ sở điều trị đều chuyển thuốc Methadone đến nơi người bệnh nằm viện để họ được tiếp tục điều trị đúng liều.

 

Bệnh nhân uống Methadone tại Cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa

Bệnh nhân uống Methadone tại Cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa

 

Vẫn còn khó khăn


Theo ông Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, khoảng 90% BN tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tuân thủ điều trị, chấp hành ngày càng tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn; một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với cuộc sống như: dự định lập gia đình, quan tâm chăm sóc gia đình tốt hơn, sức khỏe ngày càng được cải thiện; một số BN còn tiêm chích heroin trong quá trình điều trị nhưng số lần tiêm chích ngày càng ít và khi tiêm chích đều sử dụng bơm kim tiêm sạch dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục...


Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay, chương trình này còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ BN bỏ điều trị còn cao, nguy cơ tái nghiện cao; BN còn gây mất an ninh trật tự tại cơ sở điều trị, đồng thời vẫn sử dụng các loại ma túy khác. Một số BN bị gia đình ép buộc điều trị bằng Methadone nên kìm liều thuốc, không đóng phí điều trị; sự phối hợp của các đơn vị chức năng và UBND các cấp với các cơ sở điều trị chưa tốt; sự kỳ thị, tự kỳ thị vẫn còn. Ngoài ra, kinh phí các dự án tài trợ kết thúc, ngân sách cấp cho chương trình rất hạn chế ảnh hưởng nhiều đến tính bền vững của chương trình...


 Ông Trần Văn Tin kiến nghị, tỉnh nên có chương trình đào tạo lại và đào tạo nâng cao về điều trị các chất nghiện cho cán bộ, nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế đang làm công tác này; tăng cường công tác giáo dục và truyền thông; chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia, trách nhiệm của hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tự nguyện, đơn vị chức năng trong việc vận động, hỗ trợ gia đình và cá nhân người nghiện; bố trí biên chế nhân sự, có chính sách ưu đãi phù hợp cho họ; đầu tư kinh phí để bù đắp thiếu hụt khi các nguồn kinh phí tài trợ và do Trung ương cấp bị cắt, giảm; huy động sự đóng góp kinh phí của người sử dụng dịch vụ...


Qua hơn 3 năm triển khai, hiệu quả chương trình điều trị nghiện bằng Methadone góp phần làm giảm lây truyền các bệnh lây qua đường tiêm chích, giảm đối tượng sử dụng lại heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra...


T.Ly