01:08, 29/08/2017

Nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng giới: Khó kiểm soát

Những năm gần đây, dịch HIV có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng gia tăng.

Những năm gần đây, dịch HIV có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng gia tăng.


Tăng cao do kỳ thị


Theo lời chỉ dẫn của người bạn, anh N.Đ.P (TP. Nha Trang) đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để xét nghiệm HIV. Anh P. kể, từ nhỏ anh đã có xu hướng thích những người cùng giới, tuy nhiên, do sự kỳ thị của xã hội anh không dám bộc lộ giới tính thật của mình. Để che giấu, anh đã kết hôn và có con theo mong muốn của gia đình. Do sống không hạnh phúc, anh với vợ cũng ly dị sau 10 năm chung sống. Sau đó, anh đã trải qua vài mối tình đồng giới. Lo sợ bị nhiễm HIV, anh tới trung tâm để xét nghiệm. Anh P. lo lắng: “Nếu bị nhiễm HIV, tôi không biết mình phải sống thế nào. Vì những người như tôi đã bị sự kỳ thị rất lớn của xã hội, nếu mang thêm căn bệnh này thì mọi người sẽ càng kỳ thị hơn”.  

 

Đây không chỉ là lo lắng của anh P. mà còn là của rất nhiều người trong nhóm MSM. Anh N.M.H -  từng là đồng đẳng viên ở TP. Nha Trang chia sẻ, những người thuộc MSM ở cả nước nói chung và tỉnh nói riêng rất nhiều, nhưng vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, họ vẫn phải khép mình, không dám bộc lộ thân phận. Nhiều trường hợp được các đồng đẳng viên tiếp cận tư vấn, họ đồng ý đi xét nghiệm HIV, nhưng khi được khẳng định nhiễm HIV, họ bỗng dưng mất tích, không liên lạc được. Đây sẽ là nguồn lây rất lớn ra cộng đồng, bởi phần lớn họ sẽ giấu nhẹm kết quả xét nghiệm và không tiết lộ khi quan hệ tình dục để bạn tình không nghi ngờ, họ không sử dụng bất cứ biện pháp phòng vệ nào. Do đó, nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM là rất cao… Ngoài ra, với quan niệm “trai lớn phải có vợ, gái lớn phải lấy chồng”, nhiều gia đình biết con là người đồng tính nhưng vẫn ép lấy vợ, sinh con dẫn tới tình trạng họ có thể lây cho cả bạn đời, con cái và bạn tình của mình nếu không may bị nhiễm HIV.


Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, MSM và người chuyển giới là nhóm thiểu số về giới tính và tình dục đang bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử khá nặng nề, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 250.000 đến 450.000 MSM, họ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm MSM tại các tỉnh, thành đã lên đến khoảng 20%. Đó là chưa kể đến số đông MSM chưa được quản lý và tiếp cận với các chương trình can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV tại các tỉnh, thành. Trong khi đó, theo kết quả của một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nguy cơ nhiễm HIV của nhóm MSM cao gấp 19 lần so với các nhóm khác.


Tại Khánh Hòa, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ người trong nhóm MSM nhiễm HIV cũng gia tăng. Nếu 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ người trong nhóm MSM nhiễm mới HIV chiếm 13,3% thì 6 tháng tháng đầu năm 2017 tăng lên 14,6%.

 

Một thành viên trong nhóm MSM làm xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng

Một thành viên trong nhóm MSM làm xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng

 

Khó khăn trong công tác phòng, chống   


Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, những năm trước, nhiều chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM đã được triển khai và được đẩy mạnh ở một số tỉnh, thành trọng điểm trong nước, trong đó có Khánh Hòa nên hạn chế được tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình, dự án đều xuất phát từ tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Hiện tại, nhiều dự án, chương trình đã kết thúc dẫn đến không có đồng đẳng viên hỗ trợ nên việc tiếp cận nhóm này để tuyên truyền và cung cấp các hoạt động phòng, chống HIV vô cùng khó khăn.


Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm HIV nói chung và nhóm MSM nói riêng còn rất lớn... hệ quả là nhiều người nhiễm, trong đó có đối tượng MSM không dám tiếp cận dịch vụ y tế, tìm kiếm công việc cũng như các hoạt động xã hội khác. Nguồn kinh phí từ tài trợ quốc tế cắt giảm trên 90%, kinh phí trung ương chưa được cấp, kinh phí địa phương hạn hẹp... là những thách thức trong việc duy trì thành quả phòng, chống HIV/AIDS trên địa tỉnh.


“Để khống chế tối đa lây nhiễm HIV/AIDS, Nhà nước nên có chính sách mua bảo hiểm y tế cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Bởi khi các nguồn kinh phí tài trợ bị cắt giảm, việc điều trị cho người nhiễm HIV sẽ  không còn được miễn phí. Trong khi đó, bệnh nhân HIV/AIDS nói chung và nhóm MSM nói riêng thường có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp nên ít người tham gia bảo hiểm y tế, điều này đồng nghĩa  nguy cơ bùng phát và lây lan HIV/AIDS sẽ rất lớn và mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 sẽ khó đạt được”, bác sĩ Trần Văn Tin kiến nghị.


T.L