10:04, 13/04/2017

Ninh Hòa: Dịch sốt xuất huyết giảm mạnh

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) giảm gần 84%, số ổ dịch giảm 89%.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) giảm gần 84%, số ổ dịch giảm 89%.


Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn thị xã ghi nhận 122 ca mắc SXH, 8 ổ dịch; so với cùng kỳ năm ngoái giảm 632 ca, giảm 90 ổ dịch. Số ca mắc cũng giảm theo từng tháng, tháng 1 toàn thị xã ghi nhận 65 ca, tháng 2 giảm còn 36 ca, tháng 3 chỉ còn 21 ca. Một số xã, phường trọng điểm về dịch SXH năm trước như: Ninh Đa, Ninh Hiệp, Ninh Phụng, Ninh Thủy... năm nay số ca mắc giảm từ 70 đến hơn 85%. Đến thời điểm này, có 4 xã, phường không ghi nhận ca mắc nào là: Ninh Giang, Ninh Phước, Ninh Tây và Ninh Vân. Tại 2 bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa và Đa khoa Ninh Diêm, số ca mắc SXH nhập viện thấp, mỗi tuần ghi nhận vài ca.  

 

Kiểm tra ca nghi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Diêm
Kiểm tra ca nghi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Diêm


Bác sĩ Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, có được kết quả trên là nhờ các cấp ủy, chính quyền cơ sở quán triệt và triển khai công tác phòng, chống SXH theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Thị ủy Ninh Hòa. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở người, ban hành kế hoạch phòng, chống SXH năm 2017 trên địa bàn thị xã. Ngành chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tham mưu chính quyền cùng cấp triển khai và duy trì công tác diệt lăng quăng đến từng địa bàn thôn, tổ dân phố; lồng ghép hoạt động diệt lăng quăng với chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh và véc-tơ truyền bệnh; thường xuyên báo cáo số ca mắc để chính quyền các cấp nắm rõ, qua đó có hướng xử lý kịp thời. Song song đó, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn lại cách thức giám sát xử lý dịch và điều trị SXH cho cán bộ y tế; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán, thuốc men.

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Ngay từ đầu năm, thị xã đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; yêu cầu ngành Y tế thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh SXH để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả; củng cố các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại thị xã và các xã, phường; yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo phải có nội dung hoạt động cụ thể, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh; huy động nhân dân và các đoàn thể xã hội tham gia công tác này...

Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cũng được thị xã đẩy mạnh trên phương tiện truyền thanh. Nhờ đó, người dân đã nâng cao ý thức và có sự phối hợp cùng ngành chức năng triển khai có hiệu quả công tác phòng bệnh tại gia đình. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (tổ dân phố Phước Đa 3, phường Ninh Đa) cho biết: “Hàng tháng, cán bộ y tế đều đến nhắc nhở và hướng dẫn gia đình tôi cách thức diệt lăng quăng để muỗi không phát triển”. Ngoài ra, công tác này đã nhận được sự quan tâm tích cực từ UBND các xã, phường thông qua việc chi hỗ trợ một phần kinh phí xử lý lăng quăng tại cộng đồng.


Tuy số ca mắc SXH giảm nhưng nguy cơ dịch bùng phát vẫn rất cao, bởi hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng lại xen kẽ những cơn mưa trái mùa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Vì thế, theo bác sĩ Khoa, để công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả bền vững thì hoạt động diệt lăng quăng trong cộng đồng đóng vai trò quyết định. Điều này rất cần sự quan tâm vào cuộc tích cực và thường xuyên của các đoàn thể địa phương. Ngoài ra, các trường nên đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch thông qua những buổi học chính khóa cho học sinh; đồng thời giúp học sinh hình thành ý thức, rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ.


Để duy trì kết quả đạt được, ngành Y tế thị xã sẽ tiếp tục tăng cường giám sát bệnh chủ động tại cộng đồng; duy trì các biện pháp diệt lăng quăng; kiện toàn đội cơ động phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả hoạt động “Học sinh diệt lăng quăng tại hộ gia đình”; đẩy mạnh công tác truyền thông...


T.L