06:12, 06/12/2016

Khánh Sơn: Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Năm 2016, ngành Y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết nên số ca mắc trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đã giảm gần 86% so với năm 2015.

Năm 2016, ngành Y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) nên số ca mắc trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đã giảm gần 86% so với năm 2015.

Theo thống kê của ngành Y tế huyện Khánh Sơn, tính đến ngày 30-11, trên địa bàn huyện chỉ có 22 trường hợp mắc SXH, giảm 135 ca so với năm 2015. Trong khoảng từ cuối tháng 10 đến nay, không có ca mắc mới. Điển hình như ở thị trấn Tô Hạp, năm 2015, số bệnh nhân SXH tại đây chiếm phần lớn tổng số ca mắc bệnh trên địa bàn huyện với 135 ca, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 14 trường hợp.

 

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân diệt lăng quăng
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân diệt lăng quăng


 Bà Lê Thị Kim Hoa - cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh Trạm Y tế thị trấn Tô Hạp cho biết, năm 2016, UBND thị trấn luôn quan tâm hỗ trợ trạm về nguồn nhân lực và kinh phí nên công tác phòng, chống SXH trên địa bàn được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, nhờ đó ý thức phòng bệnh của người dân cũng được nâng lên. Nhiều hộ đã tích cực, chủ động dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm để hạn chế nơi trú ngụ của muỗi, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng. Bà Lê Thị Thanh - người dân tại tổ dân phố Hạp Phú, thị trấn Tô Hạp chia sẻ: “Qua xem ti vi, báo đài và tuyên truyền của ngành Y tế, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh bằng cách giữ vệ sinh xung quanh nhà ở. Nhà tôi sử dụng nước mưa, nên tôi thường xuyên rửa bồn sạch sẽ và đậy kín nắp không để muỗi đẻ trứng”.


Bác sĩ Lê Quang Thi - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết, có được kết quả trên là nhờ ngành y tế địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Với phương châm phòng là chính, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân. “Ngoài việc phối hợp tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi còn chú trọng tuyên truyền trực tiếp cho từng hộ gia đình thông qua các đợt giám sát dịch tễ tại cộng đồng. Qua đó, vừa hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, vừa kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Thi nói. 

     
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên huy động cán bộ, viên chức trong đơn vị phối hợp với tổ chức đoàn thể của các xã, thị trấn thu gom phế liệu có khả năng chứa nước và phát sinh lăng quăng để tiêu hủy. Những vật dụng chứa nước mà không tiêu hủy được thì nhân viên y tế hướng dẫn người dân thả cá để diệt lăng quăng. Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng xử lý dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trong đơn vị. “Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang trong thời điểm mùa mưa, thời tiết diễn biến bất thường nên ngành Y tế huyện tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Thi nói.


ĐINH LUẬN