10:03, 02/03/2016

Dịch sốt xuất huyết giảm nhưng chưa bền vững

Năm 2015, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh trên diện rộng và kéo dài. Trước tình hình trên, ngày 27-10-2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Năm 2015, dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh trên diện rộng và kéo dài. Trước tình hình trên, ngày 27-10-2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về kết quả thực hiện Chỉ thị 15, ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:


- Năm 2015, dịch SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu bùng phát từ tháng 6 - 7 và đến cuối năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 9.165 ca mắc SXH (tăng 8,6 lần so với năm 2014), trong đó có 2 ca tử vong; 1 ca tử vong vào đầu năm 2016. Theo thống kê của Sở Y tế, trong 12 năm (2004 - 2015), tỉnh xảy ra 5 vụ dịch SXH thì vụ dịch năm 2015 có số ca mắc cao nhất.

 


Sau khi Chỉ thị 15 được ban hành, đến hết tháng 1-2016, ngoại trừ TP. Nha Trang số ca mắc SXH liên tục có xu hướng tăng cao qua các tháng và TP. Cam Ranh có xu hướng tặng nhẹ, còn lại tất cả các địa phương khác số ca mắc SXH đều có xu hướng giảm mạnh. Đến giữa tháng 2-2016, số ca mắc SXH tại tất cả các địa phương đều giảm mạnh. Qua số liệu giám sát ca bệnh, hiện nay, mỗi ngày trên toàn tỉnh có từ 20 đến 30 ca mắc SXH, giảm gần 1/4 so với thời cao điểm của dịch (tháng 11-2015) với số ca mắc từ 80 đến 115 ca.


Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương, sau gần 4 tháng triển khai Chỉ thị 15 của UBND tỉnh, tình hình SXH bắt đầu cải thiện kể từ tuần 51 trở đi (tháng 12-2015) cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, kết quả giám sát vectơ cho thấy, tình hình dịch SXH có giảm nhưng không bền vững. Tuy mặt bằng chung trên toàn tỉnh số ca mắc giảm nhưng vẫn có thôn, tổ, xã có số ca mắc không giảm. Ngoài ra, hiện nay, thời tiết lạnh kéo dài cũng góp phần hạn chế sự sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.


- Được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, ngành Y tế cũng vào cuộc quyết liệt, tuy dịch SXH có giảm nhưng theo đánh giá là chưa bền vững, ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?


- Năm 2015, dịch SXH bùng phát mạnh, kéo dài và có diễn biến khác thường hơn so với những năm trước. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do thời tiết diễn biến phức tạp. Những năm trước, vào những tháng cuối năm thường có mưa lớn, có khi dẫn đến lụt, nhưng năm nay, mưa không nhiều và không lớn, lại có nhiều cơn mưa nhỏ. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển và hạn chế đến sự can thiệp của con người trong công tác chống dịch như: việc phun thuốc, diệt lăng quăng thực hiện không đúng định kỳ. Ngoài ra, tại tỉnh Khánh Hòa lưu hành cả 4 typ vi rút SXH. Ở một số địa phương do thiếu nguồn nước sinh hoạt, người dân có thói quen tích trữ nước và đây là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản.


Về yếu tố chủ quan, nguyên nhân làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh hơn so với những năm trước là các địa phương thiếu sự chủ động. Khi dịch bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, ở nhiều địa phương, nhất là tuyến xã không chủ động sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị mình để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Khi dịch bùng phát lớn, các địa phương mới vào cuộc. Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có diệt lăng quăng, muỗi…, nhiều địa phương làm không đến nơi, đến chốn, có nơi chỉ thực hiện khoảng 70% số hộ nằm trong diện cần diệt lăng quăng. Có địa phương mở chiến dịch diệt lăng quăng, nhưng chỉ sau 1 - 2 ngày, khi đoàn kiểm tra cấp tỉnh đi kiểm tra lại thì nhiều hộ vẫn còn nhiều lăng quăng, muỗi.


Có thể nói, nguyên nhân sâu xa của yếu tố chủ quan chính là cấp dưới trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, nguồn lực của cấp trên. Người dân cũng trông chờ và ỷ lại sự vào cuộc của ngành Y tế nên thiếu sự tích cực và không thực hiện triệt để việc diệt lăng quăng tại nhà.


Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch SXH cũng thiếu đồng bộ. Phần lớn ngành Y tế chỉ nhận được sự phối hợp của ngành Giáo dục, ở một số nơi có thêm đoàn thanh niên, còn lại hầu như chưa có sự tham gia của các đoàn thể khác trong công tác này. Vì không có sự chung tay nên quá trình triển khai các chiến dịch ở cơ sở không đến nơi, đến chốn, thiếu triệt để nên dịch kéo dài.


Đối với ngành Y tế, thời gian qua ngành đã vào cuộc quyết liệt. Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác này. Trong đó, Chỉ thị 15 do ngành tham mưu đề ra rất cụ thể các giải pháp, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp. Các đơn vị y tế trực thuộc sở đã có những nỗ lực nhất định trong việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố, xã, phường trong việc lập kế hoạch, huy động các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch SXH. Các đơn vị y tế cũng đã triển khai đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là cấp xã, nhiều đơn vị y tế làm chưa tốt; nhất là trong công tác tham mưu, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của từng ngành, cấp, do đó chưa huy động được toàn lực tham gia công tác này. Qua các đợt mở chiến dịch diệt lăng quăng, chưa chỉ rõ cá nhân, đơn vị, tổ, thôn nào làm tốt và chưa tốt để địa phương tuyên dương hoặc có hướng xử lý kịp thời.


- Để phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả và hạn chế sự bùng phát cao như năm ngoái, năm nay, ngành Y tế đã có những giải pháp gì?


- Theo chu kỳ, dịch SXH trên địa bàn tỉnh thường có dấu hiệu gia tăng vào tháng 5 - 6 và bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11.  


Hiện tại, ngành Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp theo Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh. Từ tháng 6 đến tháng 11, chủ động thực hiện diệt lăng quăng và muỗi. Ngoài ra, ngành Y tế đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2016 nói chung và dịch SXH nói riêng, trong đó tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi là: thực hiện theo dõi, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch để chặn đứng dịch và các giải pháp khi dịch bùng phát.


- Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Y tế làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về nội dung của một bài báo nói về việc Việt Nam đã từng chủ động nuôi muỗi có khả năng truyền vi rút zika, cụ thể là nuôi thả tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, ông nghĩ sao về vấn đề này?


- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã và đang phối hợp làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm rõ vấn đề bài báo đã nêu. Ngay khi có văn bản chính thức, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)