10:08, 26/08/2014

Tai biến xảy ra ở khâu gây mê, nghi do thuốc nhưng chưa rõ thuộc loại nào

Chiều 26-8, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Sở Y tế Khánh Hòa và các đơn vị liên quan về sự cố 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch.

Chiều 26-8, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Sở Y tế Khánh Hòa và các đơn vị liên quan về sự cố 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch.

 

PGS-TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại buổi làm việc


Theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 14-7-2014 Sở có nhận được công văn của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) về việc phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức chương trình  phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật hở hàm ếch. Sau khi xem xét hồ sơ Sở Y tế đồng ý về chủ trương trên với điều kiện Trung tâm OSCA phải cung cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề của các thành viên tham gia hoạt động chuyên môn, đồng thời phải có văn bản đồng ý của Bệnh viện Quân y 87 trong việc phối hợp. Tuy nhiên, đến ngày 22-8, Sở Y  tế mới nhận được công văn của Bệnh viện Quân y 87. Sau khi sự cố xảy ra, qua kiểm tra có một bác sĩ không có tên trong danh sách ban đầu do Trung tâm OSCA gửi. Ngay khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã yêu cầu ngừng ngay chương trình và thành lập Đoàn Thanh tra, Hội đồng chuyên môn khoa học để tiến hành tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến 3 ca tử vong.


Bác sĩ Nguyễn Bá Hành, Giám đốc Bệnh viện Quân y 87 cho biết, đây là lần thứ 3 Bệnh viện hợp tác với Trung tâm OSCA để thực hiện chương trình. Vì thế, khi nhận được công văn của Trung tâm OSCA, Bệnh viện 87 đồng ý thực hiện chương trình, đồng thời ký kết hợp đồng với OSCA. Theo ký kết, bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ phòng mổ, trang thiết bị y tế, thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu, làm hồ sơ bệnh án và thông qua mổ. Trung tâm OSCA chịu trách nhiệm toàn bộ về chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình phẫu thuật. Không có bác sĩ, kỹ thuật viên nào của BV tham gia trực tiếp vào công tác gây mê, phẫu thuật của chương trình. Ngay sau khi có tai biến xảy ra, Bệnh viện đã tiến hành họp Ban giám đốc với Trung tâm OSCA xem xét lại các quy trình và nhận định tai biến xảy ra ở khâu gây mê, nghi do thuốc nhưng chưa rõ thuộc loại nào. Bác sĩ Hành cho biết thêm, sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện Quân y 87 phối hợp với Đoàn Thanh tra Sở Y tế thực hiện niêm phong tất cả các loại thuốc, dụng cụ y tế liên quan đến gây mê, phẫu thuật.


Theo báo cáo của các bên, ngày 22-8 sau khi tiến hành khám sàng lọc, Trung tâm  OSCA đã chọn 56 cháu đủ điều kiện để phẫu thuật. Ngày 23-8, Trung tâm OSCA đã sử dụng 2 bàn mổ để thực hiện phẫu thuật. Ở bàn mổ 1, ca đầu tiên là cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, Diên Khánh), cháu Vân được gây mê lúc 8 giờ, sau 10 phút cháu bị tai biến và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán vào viện là ngưng tuần hoàn, hô hấp ngoại viện sau gây mê hổ hở hàm ếch, đến 2 giờ 45 phút chiều 24-8 cháu tử vong. Ca thứ 2 là cháu Pi Năng Tuấn Hữu (16 tháng tuổi, Khánh Vĩnh) được đưa lên bàn mổ và gây mê, sau khoảng 10 phút cháu cũng bị tai biến tương tự và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp, đến 9 giờ ngày 25-8 cháu tử vong. Ở bàn mổ 2, đoàn đã thực hiện gây mê và hoàn tất phẫu thuật cho 9 cháu, cháu Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, Nha Trang) là ca mổ thứ 5 ở bàn mổ này, sau khi phẫu thuật xong được đưa ra phòng hồi sức, sau đó khoảng 30 phút cháu bị tai biến tương tự và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chiều 24-8, cháu tử vong với chẩn đoán ngừng tuần hoàn hô hấp nghi do sốc phản vệ nghi do thuốc gây mê.

 

Đại diện Trung tâm OSCA, ông Phạm Văn Ái - Trưởng đoàn cho biết, sau khi bé Vân được đưa lên bàn mổ 1 và xuất hiện các triệu chứng trên, bé được ê-kíp bác sĩ thực hiện cấp cứu, sau đó các chỉ số của bé ổn định, tuy nhiên lúc sau các triệu chứng trên lại xuất hiện và chúng tôi đã chuyển cháu sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa  để cấp cứu. Lúc đó, ở phòng mổ 1, chúng tôi nghĩ gây nên tình trạng cho bé Vân có thể là do trang thiết bị nên thực hiện thay trang thiết bị khác và tiến hành gây mê để phẫu thuật cho bé Hữu. Sau khi gây mê bé Hữu cũng rơi vào tình trạng tương tự như bé Vân...


Sau khi nghe báo cáo của các bên liên quan, PGS-TS Lương Ngọc Khuê gửi lời chia buồn đến gia đình 3 nạn nhân; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa trong việc báo cáo và xử lý nhanh những công việc cần thiết liên quan đến vụ việc. Đồng thời, yêu cầu Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế thành lập phải nhanh chóng vào cuộc, nghiêm túc xem xét kỹ lưỡng dựa trên những chứng cứ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra sự cố trên, khi có kết quả phải thông báo sớm nhất cho gia đình các nạn nhân và cơ quan truyền thông. Đề nghị OSCA tổng hợp lại tất cả các tài liệu như quá trình thành lập, hoạt động, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… của OSCA gửi cho Bộ Y tế. Các bệnh viện phải rà soát lại từng khâu trong quá trình gây mê, phẫu thuật, cấp cứu, điều trị cho 3 cháu; phối hợp với các đơn vị liên quan để quá trình thanh tra được diễn ra tốt nhất. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc giúp đỡ gia đình của 3 cháu.


Sau khi kết thúc cuộc họp, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm gia đình của 3 cháu bé và Bệnh viện Quân y 87.


T.L